Không nên áp dụng hình phạt tử hình với người phạm tội chưa đạt

ANTĐ - So với giai đoạn tội phạm hoàn thành, phạm tội chưa đạt (PTCĐ) có mức độ nguy hiểm cho xã hội hạn chế hơn nên trách nhiệm hình sự nhẹ hơn. Do vậy, việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người PTCĐ là hoàn toàn phù hợp.

Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Thành Chung – Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Luật sư Thành Chung còn phân tích thêm, Điều 18 Dự thảo BLHS quy định: “PTCĐ là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”.

Thời điểm bắt đầu của giai đoạn PTCĐ là thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm hoặc hành vi đi liền trước hành vi khách quan. Thời điểm kết thúc là lúc hành vi phạm tội phải dừng lại khi nó chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu trong mặt khách quan. Việc đối tượng phải dừng lại ở thời điểm trên là do các nguyên nhân khách quan (nạn nhân tránh được, bị người khác ngăn chặn, không có đối tượng tác động, công cụ, phương tiện vô hiệu…).

Ở giai đoạn này, người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi được mô tả trong mặt khách quan của tội phạm (đối với cấu thành tội phạm hình thức) hoặc đã thực hiện các hành vi khách quan của tội phạm, nhưng hậu quả chưa xảy ra, hoặc hậu quả xảy ra không có mối quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội (tội phạm có cấu thành vật chất). Vì vậy, hành vi PTCĐ chưa thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm định thực hiện. 

So với giai đoạn tội phạm hoàn thành, PTCĐ có mức độ nguy hiểm cho xã hội hạn chế hơn nên trách nhiệm hình sự nhẹ hơn.

Theo Điều 56 Dự thảo BLHS sửa đổi về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, PTCĐ: Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi PTCĐ, hình phạt đựơc quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

Trường hợp PTCĐ, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân và chỉ có thể áp dụng hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức hình phạt mà điều luật quy định. 

Cũng theo luật sư Thành Chung, so với Điều 52 BLHS 2009 “nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng hình phạt này trong trường hợp đặc biệt quan trọng”, mức hình phạt cao nhất của PTCĐ quy định trong Dự thảo BLHS sửa đổi là tù chung thân. Bởi, PTCĐ và tội phạm hoàn thành là  2 giai đoạn phạm tội có mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Nếu điều luật quy định hình phạt tử hình cho cả 2 giai đoạn này thì không đảm bảo sự công bằng và nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự trong luật hình sự.

Do đó, chúng ta cần có sự phân hoá rõ ràng trách nhiệm hình sự giữa người PTCĐ với tội phạm hoàn thành. Chẳng hạn, nếu điều luật quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình (cho tội phạm hoàn thành), người chuẩn bị phạm tội phải chịu mức hình phạt là 20 năm tù, thì nên quy định người PTCĐ chỉ phải chịu mức hình phạt là 30 năm tù hoặc tù chung thân. 

“Theo tôi, việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chuẩn bị phạm tội, PTCĐ là phù hợp với xu hướng giảm dần tiến tới xoá bỏ hình phạt tử hình trên thế giới, phù hợp với mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và đảm bảo nguyên tắc công bằng, nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự” – luật sư Thành Chung bày tỏ quan điểm.