Không nên áp dụng hình phạt tử hình với người già và người tàn tật

ANTĐ - Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên trong xét xử và thi hành án là quy định nhân đạo, thể hiện rõ chính sách hình sự của Nhà nước ta hiện nay là giảm cả việc áp dụng và thi hành án tử hình. Tuy vậy, để quy định này có tính khả thi cần làm rõ về căn cứ, những trường hợp áp dụng.

Đó là ý kiến của luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội. Luật sư Lê Hồng Vân phân tích thêm, Điều 39 - Dự thảo BLHS quy định: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử… Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là người từ 70 tuổi trở lên.

Theo hướng dẫn trong Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC, người già là người “từ 70 tuổi trở lên”. Ở độ tuổi này, sức khoẻ của con người giảm sút, khả năng tư duy không còn nhạy bén và minh mẫn; khả năng gây thiệt hại cho xã hội hạn chế. 

Điều 46 - BLHS 1999 cũng quy định “người phạm tội là người già” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Điều này cũng đã được quy định trong Luật Hình sự Việt Nam thời kỳ phong kiến và Luật Hình sự nhiều nước thế giới. Vì vậy, sửa đổi BLHS theo hướng không áp dụng và không thi hành hình phạt tử hình đối với người già là sự kế thừa truyền thống lập pháp, đạo lý của dân tộc, phù hợp với xu hướng phát triển của pháp luật hình sự thế giới, thể hiện chính sách hình sự nhân đạo, khoan dung của Đảng và Nhà nước ta.

 “Tôi cho rằng quỹ thời gian còn lại của người trên 70 tuổi không nhiều, khi đã bị bắt giữ thì tính nguy hiểm của họ không cao nữa. Do vậy, không cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình với họ. Bên cạnh đó, thực tiễn xét xử và thi hành án hầu như chưa áp dụng hình phạt tử hình đối với người trên 70 tuổi. Do vậy, tôi đồng tình với quy định này trong dự thảo”, luật sư Hồng Vân nêu quan điểm.

 Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, BLHS sửa đổi cần quy định không áp dụng và không thi hành hình phạt tử hình đối với người phạm tội tàn tật về thể chất bẩm sinh ở mức độ không có khả năng tự đảm bảo các nhu cầu, sinh hoạt tối thiểu cho bản thân, khả năng tham gia vào các quan hệ xã hội hạn chế.

Bởi trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, họ cần sự hỗ trợ từ người thân, cộng đồng, khả năng tiếp tục thực hiện hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội không cao. Tình trạng “tàn tật” cũng phần nào ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của họ. 

 Tuy vậy, liên quan đến quy định trên vẫn còn không ít ý kiến trái chiều vì trên thực tế hiện có khá nhiều đối tượng lợi dụng tình trạng tàn tật của bản thân để phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.

Vì vậy, cần quy định: Không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị tàn tật về thể chất, song phải phân biệt rõ với những trường hợp một người đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc đã bị kết án tử hình nhưng lại có hành vi tự hủy hoại bản thân để trốn tránh việc thi hành án tử hình.

Góp ý Dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi)

LTS: Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật này, Báo ANTĐ mở chuyên mục “Góp ý Bộ luật Hình sự (sửa đổi)” nhằm phản ánh, đăng tải kịp thời các ý kiến đóng góp, những sáng kiến, đề xuất của các chuyên gia, các nhà làm luật và người dân nhằm hoàn thiện các chế định trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi).