Giận con mê game, mẹ tưới xăng đốt, pháp luật xử lý thế nào?

ANTĐ - Theo thông tin từ cơ quan điều tra huyện Di Linh (Lâm Đồng), cơ qua điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân huyện đang thụ lý vụ án xảy ra tại xã Hòa Bắc huyện Di Linh. 
Giận con mê game, mẹ tưới xăng đốt, pháp luật xử lý thế nào? ảnh 1

Theo kết quả điều tra ban đầu, sáng ngày 25-9, chị Nguyễn Thị Thơm, nông dân, ngụ tại xã Hòa Bắc, khi đang phát cỏ trên rẫy thì nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm của con trai đầu là cháu Nguyễn Xuân Thành hỏi thăm cháu đã khỏi bệnh chưa. Cô giáo cho chị biết cháu Thành đã nghỉ học 2 ngày nay, thậm chí trước đó cháu còn có đơn xin nghỉ, có chữ ký của chị. Rất ngạc nhiên vì dù nhà nghèo nhưng hai vợ chồng chị chấp nhận tằn tiện hết sức để cho các cháu đi học. Sáng nào chị cũng đưa con đến trường, cho tiền ăn sáng xong mới lên rẫy đi làm.

Biết là cháu lại mê chơi game, bỏ học đi chơi chị rất giận. Chi lấy xe máy đi tìm con, trên người vẫn đeo bình xăng nhỏ để đổ vào máy phát cỏ. Địa điểm mà chị nghi ngờ chính là quán internet gần trường vì đã có lần chị đến đón con sớm và thấy con chơi trong quán này.

Lần đó, khi đưa con về nhà, chị đã cho thằng bé nằm lên giường, quất cho mấy roi. Nó hứa, sẽ không tái phạm nữa. Lần này cả quán nét vắng tanh, chỉ có mình Thành đang đeo tai nghe ngồi chơi. Giận con, giận cả chủ quán game “Sao người ta có thể vì tiền mà để một đứa trẻ đang là học sinh chơi game trong giờ mà đáng lẽ ra nó phải học”. Quá giận, mất khôn, chị trút bình xăng nhỏ, chỉ còn khoảng 0,5 lít xăng lên đầu thằng bé. Không ngờ lửa bùng lên…

Chủ quán net nghe thấy tiếng kêu la vội chạy ra lấy chăn dập lửa đang cháy trên mình cậu bé Nguyễn Xuân Thành. Chị Thơm cũng hốt hoảng đưa con đi bệnh viện cấp cứu. Hiện cháu Nguyễn Xuân Thành đang được điều trị tại bệnh viện 115 (TP Hồ Chí Minh). Theo các thầy thuốc tại bệnh viện, bệnh nhân Thành bị bỏng do xăng cấp độ 2, tổn thương 18% ở các vùng đầu, cổ và hai cánh tay.

Theo thông tin từ Viện KSND huyện Di Linh, các thủ tục chuẩn bị khởi tố đã hoàn tất. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của vụ việc là mẹ đẻ gây ra cho con, giờ chính mẹ và gia đình đang có hoàn cảnh khó khăn phải dồn sức lo chạy chữa nên cơ quan chức năng chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn. 

Vấn đề cần trao đổi là chị Thơm, có thể gọi là nghi can Thơm, đã phạm tội gì? Pháp luật sẽ xử lý ra sao?

Ý kiến bạn đọc 

Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Cần phải khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cố ý gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe người khác, dù người đó là con mình. Hành vi này nghiêm trọng ở chỗ, người bị hại là trẻ em, phương tiện gây án là xăng, một chất cháy nguy hiểm, có thể gây chết người. Nếu người chủ quán nét không dập lửa kịp thời, hành vi của nghi can Thơm có thể gây tử vong cho cháu Nguyễn Xuân Thành. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 104. Bộ luật Hình sự, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm Thị Nga (Thị trấn Thứa, Hải Dương)

Mẹ cháu Thành đã phạm tội hành hạ người khác

Cháu Nguyễn Xuân Thành là con của chị Thơm. Tuy nhiên, qua nội dung vụ án, chúng ta thấy hành vi của chị Thơm là dùng xăng đổ lên mình cháu Thành để đốt, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của cháu. Mặc dù cháu phạm lỗi, cần phải được giáo dục, nhưng không thể giáo dục bằng cách hành hạ cháu bé như vậy. Theo tôi, cần phải có biện pháp giáo dục đúng nhất, phải áp dụng hình phạt để không chỉ mẹ cháu Thành mà nhiều người mẹ khác rút ra bài học trong cuộc đời. Bởi thời gian gần đây có quá nhiều trường hợp các bà mẹ vì cả giận mất khôn, đốt con mình, rồi trở thành kẻ phạm tội.  Theo tôi, chị Thơm đã phạm tội theo Điều 110. Bộ Luật Hình sư, tội hành hạ người khác: Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội với trẻ em có thể bị phạt tù tới ba năm.

Vũ Hàn Hương (Bỉm Sơn, Thanh Hóa)

Cần phải có cái nhìn nhân văn đối với vụ án này

Đúng là chị Thơm đã có hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này phải được điều chỉnh bằng các điều của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cần phải lưu ý mấy điểm. Thứ nhất, chị Thơm là người thương yêu con, hy sinh tất cả vì con và trong quá khứ chưa bao giờ có hành vi đối xử không tốt hoặc hành hạ cháu bé. Ngược lại chị chăm sóc con tận tình, không chỉ cuộc sống vật chất, hàng ngày chị đưa con đến tận trường, cho tiền ăn sáng rồi mới đi làm. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, song chị vẫn cố gắng để con được đi học. Thứ hai, vụ việc xảy ra một phần do lỗi của cháu Thành. Thứ ba, chị Thơm phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Hiện nay, chính chị là người đau khổ nhất, và ân hận nhất, chị cũng đang chạy vạy từng đồng để cứu chữa cho chính con mình là cháu Thành. Tôi rất đồng tình với các cơ quan tố tụng huyện Di Linh cân nhắc thời gian khởi tố vụ án, để thời gian cho chị Thơm dồn sức chữa chạy thương tích của cháu Thành. Đó là hành vi rất nhân văn của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Về tội danh, tôi thấy chị Thơm sẽ bị truy tố theo Điều 105.

Bộ luật Hình sự: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.

Nguyễn Phước (P9, Q3, TP Hồ Chí Minh)

Bình luận của luật sư 

Theo đúng nội dung vụ án, chúng ta thấy đã có một hành vi vi phạm pháp luật của chị Thơm. Đó là hành vi dội xăng lên người con mình là cháu Nguyễn Xuân Thành mới 13 tuổi, theo quy định pháp luật là trẻ em. Hành vi này đã gây ra tổn thương cho cháu Thành, gây ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của cháu. Tuy nhiên với tất cả những tình tiết của vụ án, chúng ta cần nhìn cả hai khía cạnh, lý và tình.

Trước khi bàn về tội danh của hành vi phạm tội, tôi xin có sự trao đổi với các bạn đọc đã có bình luận về vụ án này. Chị Thơm có phạm tội hành hạ người khác, theo điều 100 BLHS không? Đối chiếu với các hướng dẫn xét xử của Tòa án nhân dân tối cao, hành hạ người khác là hành vi của một người đối xử tàn ác với người lệ thuộc vào mình lặp đi lặp lại nhiều lần gây đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần cho người bị hành hạ.

Người phạm tội có những hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình; ví dụ như thường xuyên đánh đập, dùng roi đánh, lấy củi than nóng gí vào da thịt, cắt tóc, quần áo… Những hành vi này lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng, vài năm. Việc đối xử tàn ác này có thể được giữ kín, không ai biết hoặc người khác có biết, đã nhắc nhở những vẫn tiếp tục thực hiện… Nếu hành vi hành hạ người khác đã đến mức gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe thì người phạm tội bị truy tố theo Điều 104 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác. Ở vụ án này, hành vi của chị Thơm là hành vi bột phát, không có quá trình, vì vậy chị Thơm không phạm tội hành hạ người khác. 

Chị Thơm có phạm tội theo Điều 105. BLHS, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không? Theo nội dung điều luật này: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó thì tùy mức độ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở vụ án này, cháu Thành có hành vi phạm lỗi, nhưng hành vi của cháu Thành không vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vì vậy, chị Thơm có sự bức xúc, có trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, nhưng không thể truy tố chị Thơm theo điều 105 BLHS được. 

Có thể nhận định qua các tình tiết được phản ảnh trong nội dung vụ án, chị Thơm đã cố ý gây thương tích cho cháu Nguyễn Xuân Thành, dù là với mục đích giáo dục cháu để cháu trở thành người tốt. Theo các hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, thể hiện nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Đối chiếu các quy định pháp luật, chị Thơm đã phạm tội theo điều 104 BLHS với tội danh: Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác. Điều luật này có nội dung tại khoản 1: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây (có trường hợp phạm tội với trẻ em), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Tuy nhiên, pháp luật quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại tại điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự lại quy định: “1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại Khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của BLHS chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.” (Khoản 1 Điều 105 BLTTHS). Như vậy, ở vụ án này, chị Thơm sẽ bị khởi tố nếu có yêu cầu của người đại diện cho cháu Nguyễn Xuân Thành, trong trường hợp này là anh Nguyễn Thành Công, chồng chị Thơm và là cha đẻ cháu Thành. Anh Nguyễn Thành Công và chị Thơm đang dốc hết sức để chữa thương cho cháu Thành. Anh Công đã thể hiện ý chí không đề nghị khởi tố vụ án, đồng thời có đơn đề nghị Viện KSND huyện Di Linh không truy cứu trách nhiệm chị Thơm. Theo đúng quy định pháp luật hình sự, không khởi tố chị Thơm là phù hợp. 

Nhưng chưa phải là hết, với hành vi gây thương tích của mình, chị Thơm đã vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình và sẽ phải chịu phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm này.

Xét về tình, tôi đồng ý với ý kiến một bạn đọc, hành vi chưa xem xét xử lý vụ án cũng như chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn với chị Thơm của Viện KSND huyện Di Linh là hoàn toàn hợp lý, hợp tình. Nhiệm vụ của tất cả các cơ quan bảo vệ pháp luật vào thời điểm này là hỗ trợ gia đình cứu chữa, giảm nhẹ hậu quả đối với sức khỏe cháu Thành. Có một điều may mắn, mặc dù trong tâm trạng bị kích động mạnh, chị Thơm cũng chỉ dội xăng từ vai cháu Thành trở xuống, vì vậy, các vết bỏng có gây tổn hại sức khỏe hạn chế và không làm ảnh hưởng đến khuôn mặt cháu bé. Có thể đó là do bản năng làm mẹ.

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)