Cần xử lý nghiêm để răn đe

ANTĐ - Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Thành Chung - Đoàn Luật sư Hà Nội về vụ việc bé trai 14 tháng tuổi bị cô giáo bạo hành, nhét khăn vào mồm tại Trường mầm non tư thục Sơn Ca (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).

Theo luật sư Nguyễn Thành Chung, tình trạng bạo hành trong trường học, đặc biệt là đối với lứa tuổi mầm non ngày càng gia tăng theo chiều hướng phức tạp. Hành vi này không chỉ trái với đạo đức nghề giáo, mà còn vi phạm các quy định của pháp luật. 

Về trách nhiệm của đơn vị chủ quản, theo Thông tư số 28/2011/TT-BGDĐT của Bộ 

GD-ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, khi phát hiện nhà trường, nhà trẻ tư thục không bảo đảm an toàn về tính mạng cho trẻ em, không bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, Phòng GD-ĐT lập hồ sơ và thông báo cho nhà trường, nhà trẻ về hành vi vi phạm. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo cho nhà trường, Trưởng phòng GD-ĐT xem xét quyết định đình chỉ hay không đình chỉ hoạt động giáo dục của nhà trường.

Do đó, đối với các vấn đề liên quan tới chất lượng và thực trạng hoạt động của các cơ sở nhà trẻ, trường mầm non tư thục, Phòng GD-ĐT là đơn vị quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm.

Đối với cá nhân, căn cứ vào động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả xảy ra, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 75 Luật Giáo dục, giáo viên không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng nghiêm cấm hành vi ngược đãi, hành hạ, làm nhục trẻ em. Hành vi này bao gồm: Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục… ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần. Người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (mức phạt tù cao nhất là 3 năm), hành hạ người khác (mức phạt tù cao nhất 3 năm), vô ý làm chết người (mức phạt tù cao nhất là 5 năm), giết người (mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình) nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.

“Mọi trẻ em sinh ra đều phải được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và được hưởng các quyền theo quy định, như quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Do đó, hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em của các giáo viên mầm non là hành động không thể chấp nhận được, cần bị xử lý nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe” - luật sư Nguyễn Thành Chung đề xuất.