Chứng khoán Trung Quốc lao dốc: Lời cảnh báo với thị trường chứng khoán Việt Nam

ANTĐ - Ngày 27-7, chứng khoán Thượng Hải đã giảm 8,5%, mức giảm mạnh nhất trong một phiên kể từ tháng 2-2007, sau khi Trung Quốc công bố số liệu yếu kém về tình hình kinh tế - điều làm dấy lên lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Kể từ ngày đó, suốt 5 phiên tiếp theo, thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ, báo hiệu một đợt suy giảm mới. Các nhà phân tích giải thích rằng, việc chỉ số chứng khoán Shanghai Composite giảm mạnh là do các nhà đầu tư đã mất niềm tin vào khả năng ngăn chặn đà bán cổ phiếu của Chính phủ Trung Quốc.

Trước đó khoảng hơn 2 tuần, Chính phủ Trung Quốc đã đổ vào thị trường chứng khoán 800 tỷ USD nhằm vực dậy thị trường và ra lệnh cấm các cổ đông lớn nhất của các công ty đại chúng được bán cổ phiếu, hạn chế bán khống và cho phép 1.400 công ty ngừng hoạt động giao dịch, tạm dừng việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của các công ty và khuyến khích các ngân hàng mua lại cổ phiếu. 

Những biện pháp của Chính phủ Trung Quốc đã tạm làm ngưng đà suy giảm thị trường, các chỉ số thị trường đã tăng được 14% sau 10 phiên giao dịch. Nhưng chỉ trong 5 ngày, mọi thành quả của các chính sách từ Chính phủ và cả 800 tỷ USD cũng bị đe dọa bốc hơi không tăm tích trong một thị trường quá nóng và thiếu quy chuẩn. Và Chính phủ Trung Quốc lại phải vào cuộc.

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc: Lời cảnh báo với thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh 1

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, Tập đoàn Tài chính Chứng khoán Trung Quốc (CSFC) sẵn sàng bơm hàng tỷ nhân dân tệ vào thị trường chứng khoán đại lục theo kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc, nhằm ổn định thị trường. Động thái này diễn ra sau khi chứng khoán Thượng Hải ghi nhận mức giảm/ngày mạnh nhất trong hơn 8 năm qua.

CSFC là đơn vị chủ chốt giữ vai trò ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trên thị trường thông qua việc khai thông nguồn tài chính từ ngân hàng trung ương đổ vào thị trường chứng khoán.

Mục tiêu của Trung Quốc là mong muốn thị trường ổn định. Tuy nhiên, một vấn đề khác là niềm tin của các nhà đầu tư ở Trung Quốc đã bị dao động nặng nề. Sự can thiệp của Chính phủ một cách không rõ ràng và có phần “thô bạo” thực tế không phải là cách để điều chỉnh hiệu quả quy luật của một thị trường chứng khoán đang hoạt động.

Nhiều chuyên gia thị trường không còn tin vào hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn sự sụp đổ thị trường chứng khoán của Chính phủ Trung Quốc nữa.

Giám đốc công ty chuyên phân tích DeMark Analytics - Tom Demark, người đã dự đoán chính xác quy mô cú sụt giảm của chỉ số Shanghai Composite vào năm 2013, quả quyết rằng, trong 3 tuần tới đây, chỉ số này sẽ giảm thêm 14% nữa và tình hình trên thị trường chứng khoán sẽ lặp lại đúng sự kiện ở New York năm 1929 vốn khơi mào cho một cuộc Đại khủng hoảng (còn được gọi là Thứ Ba đen tối).

Rõ ràng đã đến lúc cần phân tích nguyên nhân của sự sụp đổ thị trường chứng khoán Trung Quốc và hậu quả của nó với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Sự giống và khác nhau của thị trường chứng khoán Trung Quốc và Việt Nam

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi tự do. Nhưng điều dễ thấy nhất chính là đang có hiện tượng vỡ bong bóng trên thị trường. 

Chính phủ Trung Quốc có phần phải chịu trách nhiệm khi thị trường chứng khoán phát triển quá mạnh, quá nóng. Đó là việc cho áp dụng rộng rãi công cụ bán khống và đòn bẩy tài chính. Chính từ đó, những người có ít tiền, thậm chí không có tiền vẫn có thể đầu tư.

Dễ dàng đầu tư như vậy nên giá cổ phiếu bị đẩy lên cao và tạo ra bong bóng. Và dĩ nhiên, bong bóng bị bơm quá mức chịu đựng phải nổ. Nhìn lại, có thể thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã có khoảng thời gian rất giống thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện tại.

Đó là khoảng thời gian 2005-2007. Khi đó, chứng khoán Việt Nam nở rộ. Tất cả mọi người đều nhảy vào chứng khoán. Ngay cả những người làm công ăn lương, bà nội trợ, bảo vệ, bà bán vé số trước cổng công ty chứng khoán đều đổ tiền mua cổ phiếu.

Năm 2014-2015 ở Trung Quốc cũng y như vậy. Chỉ có một sự khác biệt, khác biệt rất lớn, đó chính là quy mô thị trường. Quy mô thị trường của thị trường chứng khoán Việt Nam rất rất nhỏ so với Trung Quốc.

Chỉ trong chưa đầy một tháng, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất hơn 30% giá trị vốn hóa, tương đương 3.500 tỷ USD. Đây là thiệt hại kinh khủng.

Mức độ mất mát còn lớn hơn cả khủng hoảng tại Hy Lạp, nếu tính giá trị tiền. Dĩ nhiên nhiều người nói đây chỉ là thị trường thứ cấp, giá cả cũng như giá trị vốn hóa chỉ là những chỉ số đầu cơ. Chứng minh điều đó là mặc dù thị trường chứng khoán mất đi trên 30% giá trị vốn hóa, giá trái phiếu Chính phủ Trung Quốc trong thời gian đó chỉ sụt giảm 0,01%.

Đáng tiếc, các chỉ số thị trường có thể là ảo, nhưng số tiền mất đi lại là tiền thật, tiền mặt, tiền dự trữ, nhiều khi là tiền lận trong gấu váy nhiều năm của người lao động chắt chiu từ những giọt mồ hôi.

Sự mất mát này đánh vào số đông các nhà đầu tư nhỏ chắc chắn sẽ kéo theo sự sụt giảm mức sống của một bộ phận người dân, giảm cầu nội địa… Nhưng quan trọng hơn, nó làm mất đi niềm tin về sức mạnh của nền kinh tế, sự lành mạnh của nền kinh tế và cụ thể hơn về khả năng điều hành nền kinh tế của Chính phủ Trung Quốc.

Một hiện tượng nữa mà thị trường Trung Quốc giống Việt Nam trong mọi thời gian, chính là đầu tư bầy đàn. Người này mua bán theo người kia mà không có chút hiểu biết gì về chứng khoán.

Thị trường chứng khoán là thị trường đầu tư cho người chuyên nghiệp, có kiến thức, được đào tạo bài bản. Với dân chúng, đây không phải là nơi khuyến khích đầu tư.

Một thị trường chứng khoán được xem là lý tưởng khi và chỉ khi nó hoạt động dựa trên các thông tin thị trường được công bố đại chúng, từ đó nhà đầu tư mới có thể đánh giá và tự do đầu tư.

Tuy nhiên thực tế đáng ngạc nhiên tại Trung Quốc (và ngay ở Việt Nam) chính là các công ty đều đã cố gắng áp đặt những chuẩn mực kế toán tốt nhất đối với thị trường chứng khoán (chứ không phải để thông tin thị trường điều phối).

Ở đó, những thông tin thuận lợi được phổ biến, những thông tin xấu được bưng bít hoặc chậm công bố, gây thiệt hại cho những bầy đàn đầu tư. Tình trạng không minh bạch thông tin có thể gây ra nguy cơ cao, đồng thời làm cho không thể đánh giá rõ ràng về các khoản nợ. Hậu quả là các nhà đầu tư tại các công ty Trung Quốc không thực sự tin tưởng vào các con số và phân tích của các công ty Trung Quốc lẫn Chính phủ nước này.

Những dấu hiệu đó có mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam không? Dù khác nhau về mức độ, nhưng tất cả các chuyên gia đều khẳng định là: Có. Nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng 11,58%, vượt xa mức tăng trưởng của các nước như Mông Cổ 7,81%, Hy Lạp 4,72%…

Liệu sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc có là hồi còi báo động cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngày 25-7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải công khai minh bạch, an toàn, không để bong bóng, khủng hoảng, đổ vỡ, thực hiện tốt thanh tra, kiểm tra, quản lý để kịp thời điều chỉnh để phát huy ưu điểm, ngăn chặn hoạt động tiêu cực dẫn đến khó khăn cho thị trường chứng khoán.

Ảnh hưởng của sự sụp đổ thị trường chứng khoán tới kinh tế thế giới và Việt Nam

Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã nổi lên trở thành cường quốc thứ 2 trên thế giới về sức mạnh kinh tế. Họ có sức chịu đựng khá tốt và khả năng phục hồi nhanh chóng. Thời gian phục hồi có thể là 6 tháng, 1 năm hay 3 năm tùy thuộc chính sách của Trung Quốc.

Nhưng sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc không có nghĩa không có điểm yếu, chẳng hạn thông tin thị trường tài chính Trung Quốc không minh bạch, tình trạng tham nhũng… Tiền tham nhũng, tiền được “rửa sạch” qua đầu tư cổ phiếu, trái phiếu.

Cần phải thấy rằng, bong bóng chứng khoán Trung Quốc đang nổ ra trên thị trường thứ cấp, có ảnh hưởng nhưng không nhiều đến thị trường sơ cấp. Thị trường sơ cấp là nơi các doanh nghiệp phát hành chứng khoán để huy động vốn.

Trong lúc này, đâu đó một số doanh nghiệp muốn phát hành chứng khoán, trái phiếu nhưng do điều kiện thị trường không thuận lợi nên họ buộc phải dừng kế hoạch phát hành. Như vậy sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc chứng tỏ kinh tế Trung Quốc bất ổn. Kinh tế Trung Quốc bất ổn sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu vì Trung Quốc là công xưởng lớn, thị trường lớn của thế giới. 

Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Việt Nam có 2 đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc nhưng vị thế với từng nước lại có sự khác biệt lớn. Với Mỹ, Việt Nam đứng ở vị thế xuất siêu với kim ngạch lên tới chục tỷ USD.

Còn với Trung Quốc, bức tranh ở hướng ngược lại. Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc nên nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Nếu nền kinh tế có vấn đề, ảnh hưởng lớn nhất chính là nhập khẩu từ Trung Quốc vào việt Nam.

Nền kinh tế Đông Nam Á cũng chịu mức độ ảnh hưởng lớn tương tự vì Trung Quốc có quan hệ mậu dịch đầu tư rất lớn tại Đông Nam Á. Trung Quốc rót vốn vào Việt Nam không nhiều nhưng đầu tư tại Đông Nam Á rất lớn. Khi Trung Quốc bị “ốm” chắc các nước Đông Nam Á không thể “khỏe” được.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư ít nhiều bị dao động. Tuy nhiên, trong gần 1 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng, nhưng vẫn chưa ổn định. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải có những động thái trấn an giới đầu tư.

Nhà đầu tư có cảm thấy yên tâm giao dịch hay không tùy thuộc vào nhận định của họ cũng như cách tuyên truyền của Chính phủ. Ủy ban chứng khoán Nhà nước phải có những thông tin chính xác nhất, minh bạch nhất về thị trường. Các chính sách của Ngân hàng Nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ.  

Một trong các yếu tố gây nên bong bóng chứng khoán Trung Quốc lần này là Chính phủ không kiểm soát bán khống và đòn bẩy.

Ở Việt Nam, sau cuộc khủng hoảng từ năm 2007, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 36 đã hạn chế vấn đề này. Chính sách tốt cần phải được thực thi tốt. Ngân hàng Nhà nước cần kiểm tra chặt chẽ các ngân hàng về việc tuân thủ quy định liên quan đến thị trường chứng khoán trong Thông tư 36.