Yahoo, Google có thuộc đối tượng áp dụng của Luật đo đạc và bản đồ?

ANTD.VN - “Yahoo, Google đưa bản đồ Việt Nam lên internet ở nước ngoài. Vậy hai tổ chức này có thuộc đối tượng áp dụng của luật không”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đặt vấn đề tại phiên thảo luận về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi), chiều 20-11.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu bày tỏ đồng tình về tính cần thiết của Luật Đo đạc và bản đồ, nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng độ trong công tác quản lý Nhà nước với hoạt động đo đạc, bản đồ; khắc phục tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí; thúc đẩy thương mại hóa thông tin dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ… phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cho rằng đã kinh doanh dịch vụ thì phải có sản phẩm và phải cho phép kinh doanh sản phẩm để thu lợi nhuận. Vậy hoạt động mua bán, chuyển giao các sản phẩm về đo đạc bản đồ có được điều chỉnh theo luật không? Nếu có thì cần bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của luật?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy tham gia thảo luận

Luật áp dụng cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trong phạm vi nước Việt Nam và công nhận bản đồ số trên mạng internet là xuất bản phẩm bản đồ. Để quản lý, ban soạn thảo cũng dự định bổ sung quy định "Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bản đồ số phải đặt máy chủ trong lãnh thổ Việt Nam và tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn an ninh dữ liệu". 

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đặt vấn đề: "Trường hợp Yahoo, Google đưa bản đồ Việt Nam lên internet ở nước ngoài. Vậy hai tổ chức này có thuộc đối tượng áp dụng của luật không?".

Đại biểu Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hóa) đề nghị bổ sung nguyên tắc các biện pháp đo đạc phải theo tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo tính kế thừa các sản phẩm đo đạc, bản đồ đã có trong lịch sử. 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sĩ Lâm (đoàn An Giang) đề nghị tách nội dung “Phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn của cả nước và địa phương” thành khoản mới, đó là ưu tiên đầu tư phát triển hoạt động đo đạc, bản đồ phù hợp với việc ứng phó biến đổi khí hậu kịp thời, phòng chống thiên tai như lập các bản đồ hiện tại, bản đồ dự báo về tình hình bão lũ, hạn mặn, cứu hộ cứu nạn của từng địa phương và cả nước. 

“Hiện nội dung này rất quan trọng nhưng các bản đồ dự báo lại ít được chú trọng nên việc dự báo, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai còn bị động, chưa kịp thời”, đại biểu Nguyễn Sĩ Lâm lưu ý. 

Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ gồm 9 chương 63 điều, quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trong phạm vi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chiều 20-11, với 88,80% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.