Vụ chôn lấp chất thải của Formosa: Vi phạm pháp luật về môi trường

ANTĐ - Liên quan đến việc Công ty Formosa Hà Tĩnh ký hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải với Công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, để rồi Công ty Formosa đưa 100 tấn chất thải về chôn lấp tại trạng trại của ông Lê Quang Hòa, tại phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh), giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh Võ Tá Đinh cho biết, việc ký hợp đồng giữa hai công ty này là vi phạm pháp luật về môi trường. 

Trước đó, tại buổi làm việc với báo chí chiều ngày 12-7, ông Lê Quang Hòa, Giám đốc công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khẳng định, hơn 100 tấn chất thải trên chỉ là bùn bánh, một loại chất thải được Formosa vét lên từ cống rãnh, mương thoát trong khu công nghiệp, sau đó phơi khô cho vào bao đi chôn lấp. 

Ông Hòa đưa ra văn bản, cụ thể ngày 11-12-2015, Chi cục Bảo vệ môi trường đã lấy 4 mẫu chất thải rắn từ công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). 4 mẫu chất thải này gồm: 2 mẫu bùn ép từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp, 2 mẫu bùn than lò cốc và tro than cốc tại xưởng luyện cốc.

Ông Hòa khẳng định vị trí chôn lấp là đất đã chuyển nhượng cho anh trai

Theo kết quả phân tích ngày 25-12-2015 của Viện Khoa học và công nghệ môi trường - trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các thông số phân tích của 2 mẫu bùn ép từ xưởng xử lý nước thải đều có giá trị thấp hơn và nằm trong ngưỡng chất thải nguy hại.

Các thông số phân tích của 2 mẫu bùn than cốc và tro than cốc tại xưởng luyện cốc của công ty FHS đều có giá trị thấp hơn và nằm trong ngưỡng chất thải nguy hại, tính theo Hàm lượng tuyệt đối cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại.

Văn bản này cho biết, từ kết quả phân tích trên cho thấy, bùn ép từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp và tro than cốc, bùn than cốc từ lò cốc số 1 xưởng luyện cốc của công ty FHS là chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Gần 100 tấn chất thải được phát hiện chôn lấp tại trang trại của ông Hòa

Trước vấn đề dư luận nghi ngại đây không phải chất thải thông thường, ông Hòa cho biết: “Nếu sau này kết quả phân tích 100 tấn bùn trên có chứa chất nguy hại thì lỗi không phải do công ty chúng tôi mà là lỗi do kết quả phân tích trên văn bản” (!).

Trước đó, về vấn đề này, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh cho biết, chưa từng có bất cứ văn bản nào khẳng định đó là chất thải không gây hại như lời ông Hòa nói.

Một điểm đáng lưu ý nữa là trong bản hợp đồng giữa công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh với Formosa thể hiện rõ yêu cầu phía công ty phải chở chất thải đến xử lý ở các khu xử lý rác thải của Hà Tĩnh đã được Sở TN-MT cấp phép; phải cho bên A đến hiện trường kiểm tra để tìm hiểu phương thức và địa điểm xử lý bùn bánh; nghiêm cấm tự ý vứt bỏ hoặc xử lý không đúng với quy định trong hợp đồng.

Tuy nhiên trên thực tế, công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh lại đem chất thải lên trang trại để chôn lấp.

Về vấn đề này, ông Hòa thanh minh đây chỉ là chất thải thông thường, không độc hại nên có thể sử dụng để làm phân bón trồng cây (?).

Ông Hòa cho rằng việc chở thải cho nhà thầu Formosa có hợp đồng rõ ràng và chôn lấp hợp vệ sinh

Một vấn đề khác là trước đó, các cấp chính quyền địa phương cũng như người dân cho biết trang trại này là của ông Hòa. Tuy nhiên sau sự việc, ông Hòa khẳng định trang trại này là của ông Lê Thanh Hải, anh trai ông Hòa.

Hiện mẫu kiểm tra được gửi tới Viện Công nghệ môi trường - Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên Việt Nam để phân tích.

Liên quan đến việc 100 tấn chất thải của công ty Formosa được chôn lấp tại trạng trại của ông Lê Quang Hòa, tại phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh Võ Tá Đinh cho biết, việc ký hợp đồng giữa hai công ty này là vi phạm pháp luật về môi trường. 

Theo ông Võ Tá Đinh, công ty Formosa ký hợp đồng với đơn vị không có chức năng xử lý rác thải công nghiệp. Công ty môi trường đô thị Kỳ Anh không có chức năng vận chuyển rác thải công nghiệp nói chung, cụ thể là bùn thải công nghiệp thông thường và không có chức năng để xử lý chất thải. Việc ký kết hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải của hai công ty này là vi phạm pháp luật môi trường. 

Trước những sai phạm trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã chủ trì buổi làm việc với các bên liên quan để phân định rõ trách nhiệm, đồng thời giao Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh mời đại diện hai công ty đến làm việc để tiến hành lập biên bản xử phạt và quy kết trách nhiệm. 

Đây là cơ sở để tiến hành các bước xử lý tiếp theo. Nếu 100 tấn chất thải đã đổ tại trang trại của gia đình ông Lê Quang Hòa là chất thải công nghiệp thông thường hay chất thải nguy hại thì cũng phải bốc, vận chuyển ra vị trí quy định là tại công ty Phú Hà (đóng tại xã Kỳ Tân, thị xã Kỳ Anh).

Qua sự cố này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã rút ra bài học đó là phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về môi trường, đặc biệt là ở Khu Kinh tế Vũng Áng; ngoài Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành chức năng thì vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng nhất là chính quyền cơ sở.