Việt Nam cần tầm nhìn xa hơn

ANTD.VN - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay cách mạng 4.0, cách mạng số - kỷ nguyên của khoa học công nghệ như một “cơn bão” xáo trộn, định vị lại bản đồ nền kinh tế toàn cầu và đang “đổ bộ” vào Việt Nam. 

Nếu không thoát khỏi tư duy lối mòn và thiếu chính sách đột phá để ứng phó, nguy cơ Việt Nam bị tụt hậu so với các nước phát triển là có thể xảy ra - đó là nội dung chính tại hội thảo quốc tế về cuộc cách mạng số đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nhiều ý kiến nhận định cách mạng số sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện đến nền kinh tế của mỗi quốc gia về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động. Sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế như tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng và hiệu quả kinh tế còn chưa cao.

Đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng công nghệ của những năm 1980, trong đó 52% sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ có 10% là thiết bị hiện đại. Cả nước chỉ có trên 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, chiếm 0,06% tổng số doanh nghiệp. Đáng lo ngại hơn, chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học - công nghệ của doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, tỷ lệ này của Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%...

Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam nằm ở vùng trũng nhất ASEAN, phải mất hàng chục năm mới có thể theo kịp các nước trong khu vực, vì thế sức cạnh tranh của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vừa thấp, vừa đuối.

Cuộc cách mạng số đang diễn ra rất nhanh và làm thay đổi tư duy cả chủ doanh nghiệp lẫn người lao động. Nếu nhận diện được cơ hội, thách thức và đưa ra được chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để vượt qua “cơn bão” cách mạng số này sẽ đẩy Việt Nam thu hẹp khoảng cách tụt hậu với các nước trong khu vực và thế giới.

Điều đáng mừng là, theo khảo sát mới đây của Mỹ về sự phát triển kinh tế số, Việt Nam được xếp hạng vào nhóm một số ít quốc gia có tiềm năng đột phá với cơ hội lớn để thay đổi vị thế kinh tế cũng như “chỗ đứng” trên bản đồ thế giới. Theo đánh giá của một Giáo sư trường ĐH Cambridge (Anh), cái thiếu hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để đào tạo được nguồn nhân lực, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao. Vị giáo sư khuyến nghị, nhiều nước đang thức tỉnh, nhìn lại sản xuất công nghiệp bằng con mắt khác. Sản xuất không chỉ là làm ra mỗi sản phẩm đó, mà phải nắm bắt cơ hội, giá trị trong cả một chuỗi.

Chung quan điểm trên, 100 chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới và trong nước đều nhất trí đưa ra một số kiến nghị cấp bách, sát sườn. Nổi bật nhất, Việt Nam phải có một tầm nhìn xa hơn, chấp nhận bỏ vốn lớn với thời gian lâu dài, sau đó mới gặt hái được thành quả. Cần đầu tư mạnh vào hoạt động nghiên cứu kết hợp với các trường đào tạo nghề, viện chuyên ngành, nhất là các doanh nghiệp - đó là con đường độc đạo, nếu chần chừ, Việt Nam sẽ tụt hậu xa hơn.