Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: "Có thủ tục là có đánh chén"

ANTD.VN - Tại buổi kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ  đối với Cục Hải quan TP. Hải Phòng, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Còn quá nhiều thủ tục và thủ tục gắn với lợi ích; có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tại Cục Hải quan TP Hải Phòng 

Ngày 19/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu đã kiểm tra tại Cục Hải quan TP Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng.

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng trả lời câu hỏi của đại diện doanh nghiệp phản ảnh: “Hải quan có quy định ngầm thu phí khi giải quyết thủ tục với yêu cầu nộp 50.000 đồng 1 bộ tờ khai cho 1 container luồng xanh, còn luồng đỏ 100.000 đồng?”. “Đề nghị Cục trưởng Hải quan Hải Phòng cho biết có hay không? Có thì phải thông báo hủy bỏ ngay”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cục trưởng Hải quan Hải Phòng Nguyễn Tiến Lộc khẳng định: “Không hề có bất kỳ một chủ trương nào như vậy. Tất cả hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, đòi tiền bất chính bên ngoài thì có 2 cấp độ xử lý, phản ảnh địa chỉ cụ thể để kiểm tra xử lý. Không hề có chủ trương về quy định ngầm”.

Tuy nhiên, cũng về nội dung này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Về cái gọi là “ngầm”, chúng tôi đi hỏi rất nhiều người và họ trả lời tương đối giống nhau, có thể không có quy định như thế nhưng nhiều chi phí phi chính thức trên thực tế là có”. Ông Nguyễn Tiến Lộc liền tái khẳng định: “Quy định ngầm là không có và chúng tôi vẫn có nhiều cách để kiểm tra”.

Cũng tại buổi kiểm tra, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng: “Có quá nhiều thủ tục và thủ tục gắn với lợi ích; có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”. Cũng theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay, một số bộ ngành vẫn duy trì cơ chế xin-cho, kéo thủ tục về phía mình, đẩy rủi ro ra xã hội.

Ông Trần Đình Thiên lưu ý 2 vấn đề. Một là phải sử dụng cách tiếp cận về quy chuẩn, tiêu chuẩn, doanh nghiệp tự công khai, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước chỉ giám sát. Hai là thông tin chuyên ngành phải kết nối với nhau chứ “ông này kiểm tra xong ông khác xuống để “gặp riêng” thì rất khó hiệu quả”.

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng các kiến nghị của các cơ quan, đặc biệt TP. Hải Phòng đã có nhiều đề xuất mới. Đồng thời yêu cầu thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Thủ tướng, các nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng nhắc lại rằng kiểm tra chuyên ngành đang tạo ra rào cản cực lớn với doanh nghiệp và việc cải cách hành chính, trong đó có các thủ tục chuyên ngành chính là dư địa với tăng trưởng.