Vì sao Thủ tướng đã ra lệnh 'đóng cửa' mà mà rừng vẫn bị phá?

ANTD.VN - Tham gia chất vấn chiều 18-11, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ băn khoăn về việc, sau lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ, nạn chặt phá rừng vẫn xảy ra tại nhiều địa phương gây bức xúc dư luận.

Băn khoăn trước tình trạng phá rừng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) chất vấn: "Tháng 6-2016, Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên. Vậy kết quả thực hiện đóng cửa rừng thế nào? Vì sao Thủ tướng đã ra lệnh mà vẫn xảy ra các vụ phá rừng nghiêm trọng, những vụ này đã xử lý nghiêm chưa? Chính phủ có giải pháp gì để giữ rừng không "chảy máu" thời gian tới?”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trước đó khi đi thực tế một số địa phương thấy việc phá rừng rất nhiều, nghiêm trọng nên đã báo cáo Ban Bí thư để có chỉ thị “chống phá rừng tự nhiên” và đã tổ chức ba hội nghị toàn quốc triển khai việc này. Ban đầu thu về kết quả đáng mừng, số vụ phá rừng giảm, nhiều địa phương đã xử lý nghiêm tình trạng phá rừng rất nghiêm khắc, từ Bình Định, Gia Lai, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Điện Biên… 

“Chúng tôi đã cho dừng nhiều dự án thủy điện không cần thiết khi có tình trạng phá rừng xảy ra, yêu cầu địa phương, các cấp các ngành xử lý nghiêm các vụ phá rừng. Tôi hy vọng tới đây tình hình phá rừng sẽ được nhận thức tốt hơn để Việt Nam không phải là những núi đồi xơ xác mà là những cánh rừng bạt ngàn là rừng trồng và đặc biệt rừng tự nhiên”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết đã yêu cầu tăng cường trồng rừng, xử lý nghiêm các vụ phá rừng

Về kinh tế, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) đề nghị Thủ tướng đánh giá về thực trạng các doanh nghiệp FDI và giải pháp nào nâng cao chất lượng các doanh nghiệp này thời gian tới, cũng như giải pháp khắc phục tình trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không đạt tiến độ kế hoạch.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, FDI đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, quản lý, giải quyết lao động và thúc đẩy phát triển đất nước. Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, FDI ở Việt Nam còn một số tồn tại, bất cập cần xử lý. Đó là công nghệ nhìn chung còn ở mức trung bình, có tình trạng chuyển giá, trốn thuế; một số doanh nghiệp vi phạm về vấn đề môi trường. 

“Cần phát triển mạnh mẽ FDI trên cơ sở tái cơ cấu FDI. Tinh thần là chúng ta cần cái gì thì kêu gọi đầu tư vào đó, chứ không phải kêu gọi mọi thứ, không phải đầu tư bất cứ giá nào. Phải triển khai mạnh mẽ phát triển FDI với đầu tư trong nước, hai chủ thể này phải cùng tương hỗ nhau phát triển”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng chỉ ra ba hạn chế. Thứ nhất, còn nhiều bộ ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động; nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm cổ phần hóa, thoái vốn. Thứ hai, các doanh nghiệp cổ phần hóa thời gian kéo dài. Thứ ba, quy mô thị trường nhỏ nên hấp thụ vốn còn chưa cao. 

 “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không chỉ là thu hút vốn, nguồn lực mà còn góp phần vào chống tham nhũng, tiêu cực vì cổ đông càng nhiều thì việc giám sát càng chặt chẽ”, Thủ tướng nhấn mạnh.