Vì sao sáng Côn Đảo cuối cùng… vụt bay về trời

ANTD.VN - Ông Phan Trọng Bình – Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, cựu tù chính trị Côn Đảo, vừa qua đời ở tuổi 94. Vì tinh tú cuối cùng của “năm ngôi sao sáng” Côn Đảo, giờ đã… vút bay về trời.

Kiên trung dưới lá cờ Đảng

Những năm cuối đời, ông Phan Trọng Bình hay đón tiếp những đoàn khách tìm đến nhà riêng của ông, khuất trong xóm nhỏ ở ấp 8, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Họ tìm đến ông để được nghe kể lại những câu chuyện sôi động một thời, thể hiện sự bất khuất, kiên cường của một thế hệ cha ông ở “địa ngục" Côn Đảo. Và có những chuyện kể giờ đã dở dang…

Ông Phan Trọng Bình - thứ hai, từ phải qua trong một lần họp mặt cùng các đồng đội. Ảnh: Tư liệu

Ông Phan Trọng Bình, SN 1923, quê gốc Quảng Ninh, sống tại Đan Phương - Hà Nội. Ông Bình từng kể: “Năm 13 – 14 tuổi, tôi đã tham gia Cách Mạng, cho anh trai, anh rể, với các cô, chú… họp hành”. Năm 1940, ông xa gia đình vào Nam làm công nhân và rồi chính thức đi theo con đường đã chọn, con đường đấu tranh Cách Mạng”.

18 tuổi đầu, ông Bình được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại khu ủy Chợ Lớn – Sài Gòn. Vài năm sau, ông được giao trọng trách là Phó Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa kiêm Chính ủy Trung đoàn 397; rồi về làm cán bộ phòng Chính trị Quân khu 7.

Giai đoạn sau năm 1954, ông Bình được Đảng giao nhiệm vụ ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động.

Ngày 6/3/1957 đang hoạt động tại Bạc Liêu, chiến sĩ cách mạng Phan Trọng Bình bị chính quyền Mỹ - Ngụy bắt giữ.

Bị di chuyển qua hàng loạt nhà lao như: khám lớn Sài Gòn, Thủ Đức, Phú Lợi… bị tra tấn bổi đủ các chiêu thức, nhưng ông Bình kiên cường không khai báo bất kỳ điều gì, ngoài cái tên lạ lẫm Vũ Văn Mậu. Hết cách, chính quyền bấy giờ đầy ông ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Cho đến những năm cuối đời, với nhà cách mạng Phan Trọng Bình, ký ức về Côn Đảo là những tháng ngày khốc liệt, tàn bạo…

Hồi ức của ông Phan Trọng Bình có kể rõ, vừa đến Côn Đảo, ông bị đưa đến khám 7 của lao 1, là nơi giam cầm những đồng chí cách mạng được coi là đầu não lãnh đạo, nòng cốt trong phong trào chống ly khai Đảng Cộng sản.

Bị tống vào chuồng Cọp, tra tấn mọi chiêu trò có trên đời và chứng kiến những đồng đội kiên trung lần lượt ngã xuống, nhưng nhà cách mạng Phan Trọng Bình… vẫn một lòng.

Bút tích của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng là trưởng đoàn, đại diện Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đến viếng tang lễ nhà cách mạng Phan Trọng Bình mới đây. Ảnh: Duy Kiên

Ông Bình nhớ như in và từng kể về những lần bị tra tấn... suýt về trời. Trong đó lần, khi bị tra tấn, tuyệt thực nằm bệt mấy tháng trời dưới nền nhà lao lạnh lẽo, quản trại cùng y tá đến tận phong giam hỏi “giờ có muốn chết hay không?”. Nhưng ông chỉ đáp gọn lỏn “không, phải sống để đấu tranh”.

Đến nay bảo tàng Côn Đảo còn lưu giữ trân trọng bút tích của ông Phan Trọng Bình với nội dung “Tôi không thể ly khai được: 3-1-1961 - Vũ Văn Mậu”.

Cuộc đấu tranh bảo vệ lý tưởng Cộng sản kiên cường, từ ban đầu hơn 6.000 người, cuối cùng chỉ còn lại 5 người, mà chính quyền Mỹ - Ngụy lúc đó phải thừa nhận… đầu hàng trước ý chí của họ.

5 con người “tâm như sắt đá” gồm: Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Đức Thuận, Lê Văn Một và Nguyễn Minh.

Họ chính là huyền thoại “năm ngôi sao sáng” Côn Đảo, sáng vằn vặc soi đường, chỉ lối cho biết bao thế hệ tù chính trị ở “địa ngục” nói riêng và những người chọn lá cờ Đảng để đi.

Trăn trở cuối cùng của người Anh hùng

Theo đó trước sức ép tự dư luận trong và ngoài đường và sự chuyển biến tình hình, đầu năm 1964, chính quyền Mỹ - Ngụy buộc phải di chuyển “năm ngôi sao sáng” Côn Đảo về lại nhà lao Phú Lợi. Chính quyền bấy giờ thực hiện chủ trương cho bảo lãnh đối với 5 người này để xoa dịu tình hình.

Ông Phan Trọng Bình, người ngồi, thứ hai từ trái sang. Ảnh: Tư liệu

Hồi ức của ông Phan Trọng Bình cho biết, chính quyền Mỹ - Ngụy đặt ra điều kiện, người đứng ra bảo lãnh phải là người Sài Gòn. Khi đó vợ chồng nhà tư sản ông Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế - được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 2015) – bà Phạm Thị Phan Chính (tức Phạm Thị Chinh, được công nhận là liệt sĩ năm 1984) đang hoạt động tại Sài Gòn, đã bàn bạc trên cơ sở yêu cầu của Đảng, để bà Chinh đứng ra làm thủ tục nhận là họ hàng, bảo lãnh cho 2 người con ưu tú của Đảng, là ông Phan Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc.

Được lưu giữ ở Sài Gòn một thời gian ngắn để bình phục sức khỏe, tinh thần thì ông Bình và người đồng đội tìm ra chiến khu tiếp tục hoạt động, đấu tranh. Phát hiện 2 nhân vật này không còn ở Sài Gòn, chính quyền Mỹ - Ngụy giam cầm, tra tấn dã man bà Chinh; nhưng một mực bà không khai báo. Hậu quả từ những trận đòn đó, năm 1964 bà Chinh hi sinh.

Đến cuối đời, ông Phan Trọng Bình vẫn trăn trở về trường hợp ân nhân của mình, là nữ liệt sĩ Phạm Thị Chinh

Giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012 Chủ tịch nước đã lần lượt ký quyết định phong tăng, truy tặng danh hiệu cao quý, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho “năm ngôi sao sáng” Côn Đảo.

Đến cuối đời, nhà cách mạng Phan Trọng Bình vẫn nhớ như in những năm tháng tù đày, những trận đòn tra tấn, những đồng đội đã ngã xuống. Và ông Bình vẫn còn có một nỗi niềm trăn trở.

Với ông Bình, vợ chồng ông Trần Văn Lai – bà Phạm Thị Chinh là ân nhân cuộc đời. Bà Chinh là tiêu biểu cho người phụ nữ kiên trung, bất khuất trong cuộc đấu tranh vệ quốc. Chính bà Chinh đã không màng hậu quả, chấp nhận hi sinh để cứu ông và nhà cách mạng Phạm Quốc Sắc thoát ra khỏi nhà lao Mỹ - Ngụy.

Tuy nhiên đến khi… vút bay về trời, ông vẫn trăn trở chuyện bà Chinh chưa được công nhận Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Và mong ước đó của ông Bình nói riêng và của những nhà cách mạng nói chung, hiện đang được nhiều người thế hệ sau nỗ lực thực hiện.