Vì sao người dân "trồng rau hai luống", "nuôi lợn hai chuồng"?

ANTD.VN - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi: “Vì sao người dân “trồng rau hai luống”, “nuôi lợn hai chuồng?” để báo động về mối lo ngại thực phẩm mất an toàn đang ngày càng nhức nhối.

Kiểm tra ATTP tại huyện Thanh Trì (Hà Nội)

Chiều 20-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016”. 

Đề xuất lập Ủy ban Quốc gia về ATTP

Đại diện đoàn giám sát của Quốc hội trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, qua giám sát tại 21 tỉnh, thành phố với số lượng 210.000 cơ sở cho thấy, công tác đảm bảo ATTP đã có bước chuyển biến tích cực.

Dù vậy, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng. Việc kiểm soát ATTP với các mặt hàng rau củ quả, thịt, giết mổ gia súc gia cầm vẫn còn yếu, hàng thực phẩm nhập lậu khó kiểm soát, trong khi hoạt động thanh tra, kiểm tra còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết...

“Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Kết quả kiểm tra rau, quả tươi sống giai đoạn 2011 -2016 cho thấy, tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là hơn 8,4%; kiểm tra đối với hơn 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện hơn 9.000 hộ vi phạm” - ông Phan Xuân Dũng nêu rõ. 

Tại phiên họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, 5 năm qua, các lực lượng đã xử lý trên 13.000 vụ vi phạm về ATTP, chủ yếu là vi phạm hành chính, trong đó riêng ngành Công an xử lý 8.267 vụ. Dù vậy, số lượng vụ khởi tố vi phạm về ATTP còn ít. 5 năm qua chỉ có duy nhất một vụ vi phạm về ATTP bị khởi tố hình sự với 3 bị can ở Công ty rượu 29 Hà Nội do gây hậu quả 4 người chết. Cùng đó, 90 vụ gian lận thương mại được khởi tố (vi phạm có liên quan đến ATTP) với 148 bị can. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng kiến nghị Quốc hội tiếp tục khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để có chế tài mạnh hơn với vi phạm trong lĩnh vực ATTP nhằm tăng sức răn đe, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương…

Đừng đổ lỗi do thiếu chế tài

Dẫn chứng về việc những vụ ngộ độc, tử vong do ngộ độc thực phẩm vẫn liên tục xảy ra, nhất là các vụ ngộ độc rượu có methanol, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, ATTP vẫn đang là mối quan tâm lớn của xã hội. Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không hoàn toàn đồng tình với nhận định trong báo cáo giám sát rằng những tồn tại trong công tác ATTP thời gian qua là do hệ thống pháp luật chưa đủ mạnh hay phải sửa đổi Luật ATTP, lập Ủy ban Quốc gia về ATTP. 

 “Báo cáo giám sát độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Việt Nam đã xây dựng được hệ thống chính sách pháp luật về ATTP đi đầu khu vực nhưng để triển khai hiệu quả khung pháp lý lý thuyết thì cần tập trung nhiều hơn vào các yếu tố nguy cơ và kết quả trên thực tế. Nghĩa là lý thuyết chúng ta tương đối tốt nhưng thực hành không được như vậy.

Báo cáo của đoàn giám sát cũng chỉ ra cũng không có tồn tại nào về pháp luật mà tất cả đều là tổ chức thực thi chưa tốt, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn bất cập” - Chủ tịch Quốc hội phân tích. “Tôi không tha thiết với việc thành lập Ủy ban quốc gia về ATTP. Chúng ta đã có cả một Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP rồi, không cần thiết phải thành lập quá nhiều Ủy ban” - Chủ tịch Quốc hội góp ý.

Tương tự, việc báo cáo giám sát hay đại diện các bộ, ngành đề cập đến nguyên nhân hạn chế trong công tác ATTP do “nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm còn hạn chế”, Chủ tịch Quốc hội cũng không hoàn toàn tán thành.

“Người nông dân trồng riêng một luống rau để ăn, một luống để bán, như vậy không phải là nhận thức mà là cố ý vi phạm” - Chủ tịch Quốc hội nói. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi: “Tại sao người dân lại trồng “rau hai luống”, nuôi “lợn hai chuồng” và cho rằng, đó là do tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa tốt, xử phạt chưa nghiêm nên người dân vẫn cố tình vi phạm.