Vì bình yên trên "quê hương người gái đảm"

ANTD.VN - Sự bình yên đặc biệt ở mỗi xóm nhỏ nơi “quê hương người gái đảm” là sự đồng lòng của cán bộ chiến sỹ và quần chúng nhân dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. 

Về thăm “quê hương người gái đảm” xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội vào một buổi chiều nắng dịu cuối tháng 2, khi những cánh đồng đã phủ xanh màu lúa non, đường trên ngõ dưới vẫn rực rỡ cờ hoa còn dư âm của mùa hội vừa tan. Những cụ già thong thả chơi cờ, con trẻ hồn nhiên vui đùa, có nét gì đó bình yên đến lạ.

Có được sự bình yên ấy, nhiều năm qua xã Đan Phượng đã xây dựng mô hình “Tổ tự quản về an ninh trật tự” mang lại nhiều kết quả đáng mừng trong công tác giữ gìn ANTT, phát huy truyền thống tình làng nghĩa xóm; giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân giúp nhau cùng phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Phòng chống tội phạm từ cơ sở

Đan Phượng những năm 1990-2000 trong trí nhớ của ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND xã là những ngày đầy bất ổn. Nạn trộm cắp vặt thường xuyên diễn ra, ma túy, tệ nạn xã hội có những diễn biến phức tạp. Những mâu thuẫn phát sinh trong các mối quan hệ vợ chồng, con cái không được hòa giải kịp thời trở nên gay gắt, dẫn đến xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc.

Không chỉ vậy, quan hệ giữa hàng xóm láng giềng cũng có lúc xảy ra va chạm, khiến tình làng nghĩa xóm rạn nứt, gây mất sự đoàn kết trong nhân dân. Nhiều vụ việc gây mất ANTT, thậm chí đánh nhau gây thương tích vì tranh chấp đất đai, tài sản gây mất ổn định địa bàn. Cuộc sống của người dân cũng vì thế mà thêm nhiều khó khăn.

Sau khi đất nước mở cửa, mảnh đất ven đô như Đan Phượng cũng cựa mình phát triển. Xã Đan Phượng nằm ở trung tâm huyện, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, là nơi tập trung đông dân cư và khu công nghiệp. Song cùng với sự phát triển kinh tế thì tình hình ANTT cũng chịu tác động.

Nhiều người từ nơi khác đến đây làm ăn buôn bán, thuê trọ... Do đất nông nghiệp chuyển đổi nhiều nên lực lượng lao động dôi dư không có việc làm lớn, nảy sinh nhiều vấn đề xã hội như trộm cắp, tệ nạn xã hội. Từ thực tế đó, năm 2006, CAH Đan Phượng đã chỉ đạo Công an xã Đan Phượng tích cực vận động người dân tham gia các tổ tự quản tại khu dân cư, các xóm nhỏ để người dân cùng chung tay giúp sức giữ gìn ANTT nơi mình sinh sống.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Tiến Thao, Trưởng Công an xã Đan Phượng cho biết, từ khi mô hình tổ tự quản về ANTT được thành lập, xã Đan Phượng như thay da đổi thịt. Với 57 tổ tự quản ở các thôn xóm, mỗi tổ tự quản có từ 20- 40 người, cử ra một tổ trưởng, một tổ phó chịu trách nhiệm thông báo cho các tổ viên khi có công việc mới. Tổ tự quản có đông đảo các thành phần người dân tham gia từ cựu chiến binh, phụ nữ, cán bộ, thanh niên…

“Mỗi người đều có ý thức chung tay góp sức giữ gìn ANTT nơi thôn xóm nơi mình sinh sống. Bởi thế cho nên mô hình này có sức mạnh từ nội tại, nhân dân nhất trí đồng lòng muốn giữ gìn ANTT cho nên ý thức được nâng lên rõ rệt. Bình thường có thể xảy ra va chạm nhưng họ tự kiểm soát giữ được bình tĩnh, vì thế tránh được nhiều vụ va chạm không đáng có”, ông Bùi Tiến Thao cho biết. 

Mô hình tổ tự quản về ANTT được duy trì từ kinh phí người dân tự nguyện đóng góp. Lực lượng công an huyện và công an xã thường xuyên có các buổi họp triển khai công việc và trao đổi thông tin trực tiếp với các tổ trưởng, tổ phó tổ tự quản. Từ đó, kịp thời năm bắt tình hình đời sống nhân dân, đi sâu đi sát với dân, nhanh chóng xử lý khi có tình huống mới.

Điều này góp phần không nhỏ trong việc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm của lực lượng công an. Cùng với đó, Công an xã Đan Phượng đã triển khai các buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các tổ tự quản. Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện như đài phát thanh xã, hệ thống bản tin.

Vận động các thành viên trong tổ tự quản tham gia quản lý nhân khẩu, thông báo khi có người lưu trú, quản lý giáo dục, giám sát người có tiền án, tiền sự, phát hiện tố giác người có lệnh truy nã, người có biểu hiện phạm tội, người lạ mặt xuất hiện trong tổ… Thiết lập đường dây nóng tại các bản tin để nhân dân kịp thời thông báo, tố giác tội phạm cho công an xã xử lý.

Mô hình tự quản không chỉ mạnh trong việc đảm bảo an ANTT, mà còn góp phần có hiệu quả trong việc xây dựng mối quan hệ hòa hảo trong gia đình và làng xóm. Nhiều vụ việc va chạm, xích mích đã được tổ tự quản hòa giải thành công, không để xảy ra các hành động gây rối trật tự. Nhiều cặp vợ chồng đứng trước nguy cơ tan vỡ vì mâu thuẫn gia đình nhanh chóng được tổ tự quản giúp đỡ, hòa giải, đến nay đang sống hạnh phúc, kinh tế gia đình phát triển, các con học hành, trưởng thành.

Nhiều năm qua, xã Đan Phượng không xảy ra trọng án. Các đối tượng nghiện ma túy được đưa đi cai nghiện, trộm cắp vặt không còn xảy ra. Đặc biệt, các tổ tự quản đã vận động được người dân nuôi chó lồng, không thả ra đường xá tránh được việc trộm chó và giữ gìn vệ sinh môi trường tốt hơn. Các khu nhà trọ cũng xây dựng các tổ tự quản công nhân để theo dõi tình, khai báo nhân khẩu, không để xảy ra mất ANTT, tránh xảy ra mất trộm.

Có được những kết quả đáng mừng ấy là sự thành công của một mô hình hay. Trải qua hơn 10 năm, mô hình này đã phát huy được nhiều lợi ích không chỉ trong việc giữ gìn ANTT, mà hiệu quả trong cả các vấn đề an sinh xã hội, kinh tế. Có thể nói Đan Phượng phát triển và ổn định như ngày hôm nay bí quyết chính là sự tham gia góp sức của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Sự kiên trì của những “Người thổi tù và hàng tổng”

Mô hình tổ tự quản hoạt động được khoảng hơn 10 năm, nhưng có những người đã gắn bó với công việc làng xóm hơn 40 năm nay như bà Nguyễn Thị Thám, Trưởng thôn Đoài Khê, Tổ trưởng tổ tự quản thôn Đoài. Gặp, trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thám khiến chúng tôi hiểu hơn về công việc của một người Tổ trưởng tổ tự quản tâm huyết với công việc hòa giải cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Thám tâm sự: “Những ngày đầu tổ tự quản hoạt động còn vất vả lắm. Mọi người chưa ý thức được, chuyện cãi cọ, đánh nhau vẫn xảy ra thường xuyên. Nhiều đối tượng từ nơi khác đến trộm tài sản của bà con, khiến cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm bất an. Tuy nhiên, cho đến nay, tổ tự quản đã phát huy sức mạnh, vượt qua được những khó khăn ấy, tình hình ANTT thôn xóm được đảm bảo”.  

Trong suốt thời gian tham gia tổ tự quản làm công tác vận động, hòa giải, những người như bà Nguyễn Thị Thám đã gặp phải nhiều khó khăn, thậm chí có lúc nguy hiểm đến tính mạng. Bà Nguyễn Thị Thám kể: “Thời gian trước, khi tổ tự quản mới thành lập, có hai gia đình tranh chấp nhau về đất đai. Tổ tự quản chúng tôi đến hòa giải, nhưng bị con trai của một chủ nhà uống rượu say cầm dao lao tới đe dọa giết nếu tiếp tục hòa giải. Tôi đã nhanh trí, áp sát và khóa tay cháu đó lại. Không bỏ cuộc, đội tự quản tiếp tục đến hòa giải và đã thành công, cháu đó cũng nhận ra lỗi lầm của mình”.

Đối với bà Thám, chuyện ra đường có chàng thanh niên nào nói: “Cháu giao vợ cháu cho cô nhé!” là chuyện không hiếm. Cứ vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt lại tìm đến tổ tự quản. Nhiều khi vợ chồng cãi vã, đánh nhau, người vợ “cầu cứu” đội tự quản, bà Thám lại cùng các thành viên đến vận động, hòa giải. Cho đến thời điểm này, 100% các mâu thuẫn đã được hòa giải ngay từ cơ sở, không để xảy ra các sự việc đáng tiếc. Theo bà Thám bí quyết để hòa giải thành công chính là sự kiên trì, quan tâm, chia sẻ chân thành giữa tình làng nghĩa xóm.

Ông Bùi Văn Tuấn (SN 1963), ở xóm Đoài, Đan Phượng cho biết: “Từ ngày có tổ tự quản, ANTT tốt hơn hẳn. Nhiều khi chúng tôi quên khóa cổng cửa, xe cộ để sơ hở là các thành viên trong tổ tự quản lại nhắc nhở, thậm chí cất giúp. Các đối tượng lạ mặt đến rình mò trộm cắp đều bị phát hiện, ngăn chặn. Đặc biệt có những người làm công tác tổ trưởng nhiệt tình, quan tâm đời sống tổ viên nên chúng tôi có thể trao đổi những băn khoăn, bức xúc để kịp thời giải quyết”. 

Cùng sát cánh, tâm huyết với mô hình tổ tự quản chính là ông Bùi Tiến Thao, Trưởng Công an xã. Ông Bùi Tiến Thao chia sẻ: “Tổ tự quản thực sự là mô hình hiệu quả. Tổ đã quan tâm đến các đối tượng lầm lỡ, vận động gia đình và làng xóm tạo công ăn việc làm cho các đối tượng làm lại cuộc đời. Tổ tự quản cũng vận động nhân dân hiến đất làm đường, giải phóng mặt bằng, giúp nhau làm ăn phát triển kinh tế. Kịp thời thông báo và kết hợp với công an xã bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội, giữ bình yên trên “quê hương người gái đảm” anh hùng”.