Văn hóa rất dễ nhận ra

ANTD.VN - Khi bàn về văn hóa ứng xử trong giao tiếp giữa con người với con người, nhất là giữa cán bộ công chức với người dân trong các cơ quan công quyền giải quyết các thủ tục hành chính, giấy tờ, không ít ý kiến cho rằng khó đề ra những quy chuẩn cụ thể, rõ ràng. 

Nếu có đặt ra một bảng chuẩn mực đánh số thứ tự thì cũng không thể gói trọn được đầy đủ nội hàm, văn hóa ứng xử vốn rất chung chung, trừu tượng. Nói như vậy, chẳng khác nào muốn nói năng, phát ngôn, thái độ, hành xử với người dân cứ “thoải mái”, tùy tiện sao?

Hà Nội Thủ đô ngàn năm văn hiến, nức tiếng cả nước với truyền thống người Tràng An thanh lịch “thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu”. Tiếng thơm quý giá ấy mấy năm gần đây đã bay đi khá nhiều, nếu không muốn nói là phai nhạt đến mức đáng lo ngại. Cuộc sống vật chất khấm khá hơn trước, sự giàu có cũng biểu hiện rõ nét từ trang phục, ô tô, xe máy. Tiếc thay, văn hóa ứng xử không những không theo kịp mà còn nhiều biến tướng, suy thoái nơi công cộng, trong gia đình, ngay cả ở một số nơi lấy dân làm đối tượng phục vụ.

Không thể phủ nhận trong vài năm gần đây hàng loạt cải cách thủ tục hành chính ở Hà Nội đã mang lại sự hài lòng, “dễ thở” cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là những thủ tục khai báo, đăng ký áp dụng công nghệ thông tin. Chính quyền điện tử đã nối mạng, thông tuyến từ cấp thành phố xuống quận, huyện, phường, xã. Tuy nhiên, có nơi, có lúc người dân vẫn vấp phải những “hạt sạn” khiến dư luận bức xúc. Sự chuyển biến, chuyển động hành động vì dân đã có sự lan tỏa, song để thấm tới tận cán bộ, công chức, tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong tư duy và thái độ, hành động, rõ ràng không thể chỉ bằng những khẩu hiệu. 

Trong các cơ quan Nhà nước từ cấp cao đến cấp xã, phường, nhất là nơi tiếp dân, nhất thiết phải treo những tấm biển lớn với những chuẩn mực về văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức khi làm việc, tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp. Có thể coi đó là tấm gương để mọi cán bộ, công chức, viên chức hàng ngày soi vào để sửa mình, thấy rõ lời ăn tiếng nói, thái độ, hành động của mình. Bản thân mỗi người dân khi bước vào cũng nhìn đó mà đánh giá, chấm điểm văn hóa ứng xử. Tác dụng của nó có lẽ không kém việc lắp đặt hệ thống camera theo dõi, giám sát.

Sự hài lòng của người dân chính là thước đo chuẩn xác nhất. Thước đo đó tất nhiên phải cao hơn chuẩn bình thường, song không phải quá khó khi có một vốn văn hóa bền vững không phụ thuộc vào “chiếc ghế” hay trình độ. Văn hóa toát ra rất dễ nhận thấy.