Từ "tiếng mõ người Dao"

ANTD.VN - 15 năm trước, xã Ba Vì thuộc huyện Ba Vì vốn là địa bàn “nóng” bởi liên tục xảy ra hàng loạt các vụ trộm cắp, cờ bạc, cướp giật tài sản… Thậm chí, ở nhiều nơi, các vụ việc này diễn ra khá công khai làm phức tạp địa bàn, khiến chính quyền và công an địa phương vô cùng vất vả trong công tác đấu tranh. Thế nhưng, từ khi CAH Ba Vì xây dựng, triển khai mô hình “Tự quản về ANTT trong dòng họ”, tình hình tội phạm và mất ANTT trên địa bàn đã gần như chấm dứt.

Từ "tiếng mõ người Dao"  ảnh 1CAH Ba Vì thực hiện tốt việc tiếp nhận, chia sẻ về ANTT với người dân

Từ một điểm “nóng”

Đến bây giờ, ông Lý Sinh Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì vẫn còn nhớ như in những ngày đầy bất an ấy. Ông Vượng bảo, đất Ba Vì vốn là địa hình đồi núi, cư dân tập trung lại chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc Dao. Cuộc sống của người dân nơi đây xưa nay quanh năm vất vả, ruộng nương canh tác ít, chỉ biết trông vào rừng. Thế nên, mọi tệ nạn, tình hình tội phạm nhiều khi cũng bắt đầu từ cái đói cái nghèo mà ra. 

Cuối những năm của thập niên 90, đất nước mở cửa, cả huyện Ba Vì cũng chuyển mình. Với lợi thế là vùng đất du lịch, Ba Vì bỗng trở thành nơi thu hút du khách đến tham quan các khu danh thắng như Khoang Xanh, Thiên Sơn, Ao Vua…

Thế nhưng khi cuộc sống phát triển thì những mặt trái của cơ chế thị trường cũng bám theo. Đám thanh niên không nghề nghiệp, ngại làm thích chơi tại địa phương lập tức nhận thấy các khu du lịch này là mảnh đất màu mỡ có thể kiếm chác được từ những du khách đến đây vãn cảnh. Thế là hàng loạt các loại dịch vụ “chui” mọc lên như nấm. Các chiêu trò chặt chém, lừa lọc, bắt chẹt, tranh giành khu vực, địa bàn làm ăn diễn ra thường xuyên khiến không chỉ khách du lịch mà ngay cả những cư dân địa phương cũng vô cùng bức xúc. Gần như ngày nào cũng có những cuộc cãi vã, thậm chí đánh chém nhau xảy ra. Mà thói đời, cái sảy nảy cái ung, khi tệ nạn không được chấn chỉnh kịp thời, kiểm soát và đẩy lùi thì nó lại phát sinh ra vô số biến tướng, hệ lụy khác mà không ai có thể lường hết được. 

Khi những dịp lễ Tết qua đi, du khách đã vãn thì đám lưu manh vốn đã quen với cách làm ăn bất lương, càn quấy, bắt đầu quay ra tìm mục tiêu mới cho mình ở chính địa phương. Ông Lý Sinh Vượng nhớ lại, khi ấy, ông được phân công làm Phó trưởng Công an xã, trên địa bàn liên tục xảy ra các vụ trộm cắp tài sản. Có thể nói giai đoạn đó, xã Ba Vì là nơi có tỷ lệ trộm cắp nhiều nhất trong toàn huyện… Với bà con đồng bào dân tộc Dao, tài sản quý giá nhất chính là những bộ đồ mâm, thau, nồi niêu, đồ thờ bằng đồng được chế tác, chạm khắc rất đẹp. Đó là những thứ tài sản rất có giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần. Ấy vậy mà các gia đình liên tục bị mất trộm một cách bí ẩn. Thậm chí, có nhà nằm ngủ trong nhà, sáng ra cửa vẫn còn chốt mà tài sản lại biến mất. Xem xét kỹ thì thấy ở chân vách nhà có 1 lỗ đất đào thông do kẻ trộm khoét để đột nhập từ nửa đêm mà chẳng ai hay.

Chưa hết, có một thứ tài sản khác cũng thuộc loại “đầu cơ nghiệp” là trâu bò của bà con thả trên núi cũng thường xuyên “không cánh mà bay”. Do đặc tính truyền thống, người Dao thường thả rông gia súc của mình trên rừng. Và đám trộm đã táo tợn hạ gục con trâu ngay giữa thanh thiên bạch nhật rồi xả thịt tại chỗ chia nhau mang đi bán. Chỉ đến khi người dân đi tìm thì họ mới thấy những vũng máu cùng đám lòng vương vãi khắp nơi…

“Tiếng mõ người Dao”

Những bất ổn về tình hình ANTT ở xã Ba Vì ngay sau đó được CAH đưa ra phân tích dưới nhiều góc độ. Ngoài công tác tấn công, trấn áp các loại tội phạm thì lúc đó để giải quyết tận gốc tệ nạn và những hệ lụy phát sinh, CAH nhận thấy cần phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vậy là sáng kiến “Tiếng mõ người Dao” ra đời. Thượng tá Nguyễn Anh Hùng, Phó trưởng CAH Ba Vì cho biết: “Thực ra đây là một cách gọi hình ảnh bắt nguồn từ cách làm của Công an xã Ba Vì. Đó là đồng bào người Dao có thói quen dùng mõ đeo vào cổ gia súc để tránh đi lạc, khi phát hiện có kẻ xấu, mọi người liền khua mõ lên để báo động cho cơ quan chức năng phối hợp cùng toàn dân đổ ra vây bắt. Từ cách làm ấy, các phong trào “Dòng họ tự quản” cũng được dấy lên để toàn dân tham gia cung cấp báo tin tố giác tội phạm”.

Cách làm này lập tức thu được hiệu quả rõ rệt. Không chỉ ở riêng xã Ba Vì, những mô hình, biện pháp mới phong phú, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương trong cả huyện được CAH Ba Vì phát động đã thu hút hàng chục nghìn quần chúng tham gia khiến tình hình tội phạm giảm hẳn. Không những thế, tác dụng của nó còn vượt qua mong đợi khi những mô hình nói trên còn gắn kết người dân lại, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống bằng các công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, phong trào khuyến học, khuyến tài, công tác hòa giải cơ sở…

Ông Lý Văn Phủ, Trưởng bản Yên Sơn và cũng là người đứng đầu dòng họ Lý vô cùng tâm đắc khi nhắc lại sáng kiến “Tiếng mõ người Dao” từ hơn 10 năm trước: “Họ Lý chúng tôi có số khẩu đông nhất xã, bởi thế nên khi thấy con em mình sa đà vào tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề, trộm cắp, quậy phá hay “xin đểu” khách du lịch đến tham quan các khu du lịch là các bậc cao niên lo lắng đến mất ăn mất ngủ. May sao, lúc đó Công an xã Ba Vì đã tham mưu cho chính quyền xây dựng triển khai mô hình “Dòng họ tự quản” và mời chúng tôi về để tham khảo ý kiến.

Thấy cách làm hay, chúng tôi về trao đổi với tất cả các Chi trưởng, người có uy tín trong dòng họ cùng đưa ra biện pháp quản lý giáo dục con cháu. Từ đó, cứ đến tháng 11 hàng năm, cả dòng họ chúng tôi lại tổ chức hội nghị gồm mọi thành viên từ già tới trẻ tập trung tại nhà Trưởng họ để cùng tổng kết các thành quả đã đạt được và giúp đỡ, giáo dục, rút kinh nghiệm với những ai còn nhiều thiếu sót. Bên cạnh đó, các cụ cũng yêu cầu từng gia đình phải tự cam kết sẽ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước, quy định của địa phương như đốt nương, phá rừng, săn bắn… làm ảnh hưởng đến ANTT. Thế nên đến nay, dòng họ tôi vẫn tự hào là không có con em vi phạm pháp luật”.

Già bản Yên Sơn là ông Triệu Sinh Đức cũng rất tâm đắc với mô hình “Dòng họ tự quản” tâm sự: “Nhờ mô hình ấy nên những năm qua, cư dân Yên Sơn đã phát hiện, tố giác một số đối tượng đến địa bàn truyền đạo trái phép với cơ quan Nhà nước. Bản thân các dòng họ cũng đã vận động thành viên tự giác giao nộp nhiều súng tự chế với tổng số 24 khẩu; vận động, thuyết phục con cháu hiểu rõ các chính sách pháp luật, không khiếu kiện đông người. Riêng dòng họ Lý hiện nay dù đông nhất nhì trong xã nhưng con em tuyệt đối không có ai sử dụng hoặc nghiện ma túy”.

Cũng chính từ khi có mô hình này, các hộ gia đình, thành viên trong nhiều dòng họ của xã Ba Vì đã động viên con cháu tích cực học tập, trong đó có nhiều cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Các dòng họ luôn động viên, biểu dương khích lệ những việc làm đúng nhưng cũng thẳng thắn phê bình những trường hợp vi phạm điều ước đã thống nhất trong nội tộc, thậm chí nếu vi phạm nặng còn ghi vào gia phả để làm bài học răn đe cho những đời sau.