Trường hợp được ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi mới được tuyển dụng vào làm văn thư cho một cơ quan nhà nước. Trong quá trình tiếp xúc với các loại giấy tờ tôi thấy có các hình thức ký như ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền. Vậy ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền được áp dụng trong những trường hợp nào, thưa luật sư? Bùi Phương Hòa (Nghệ An)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời: 

Trường hợp được ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền ảnh 1Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Theo Điều 10 Nghị định số 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư sửa đổi tại Nghị định số 09/2010/NĐ-CP, ở cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan tổ chức có thể giao cho cấp phó của mình ký thay các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách; một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Cấp phó ký thay chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trước pháp luật.

Còn ở cơ quan, tổ chức làm việc chế độ tập thể, với những vấn đề quan trọng của cơ quan, tổ chức mà theo quy định hoặc theo điều lệ của tổ chức, phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số, người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt tập thể lãnh đạo ký các văn bản của cơ quan, tổ chức; Cấp phó của người đứng đầu và các thành viên giữ chức vụ lãnh đạo khác được thay mặt tập thể, ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức những văn bản theo ủy quyền của người đứng đầu và những văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách.

Trường hợp được ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền ảnh 2Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký

Về ký thừa lệnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Hành chính hoặc Trưởng một số đơn vị ký thừa lệnh một số loại văn bản. Việc giao ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế hoạt động hoặc quy chế công tác văn thư của cơ quan, tổ chức.

Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể ủy quyền cho người đứng đầu một đơn vị trong cơ quan, tổ chức ký thừa ủy quyền một số văn bản. Ký thừa ủy quyền phải giới hạn trong một thời gian nhất định. Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký. 

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.