Trường công huy động nguồn lực xã hội cùng đầu tư: Quyền lợi của học sinh phải đặt lên hàng đầu

ANTD.VN - Dùng nguồn lực xã hội để đầu tư, khai thác tài sản công là hướng đi đang được Chính phủ đẩy mạnh với các đơn vị công lập được công nhận tự chủ tài chính.

Với mục tiêu đảm bảo sử dụng hiệu quả, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất, trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam đã đề xuất Sở GD-ĐT Hà Nội được thí điểm hợp tác các hoạt động thể thao với đối tác theo hướng cùng đầu tư, khai thác hiệu quả tài sản công.

Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam mạnh dạn thí điểm xã hội hóa trong giáo dục

Thí điểm mô hình hợp tác khai thác tài sản công

Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam được thành phố đầu tư cơ sở vật chất trường học vào loại hiện đại nhất không chỉ ở Thủ đô mà trên cả nước. Trong đó, riêng khu thể thao được chia làm hai phần, phục vụ đến gần 10 các bộ môn thể dục thể thao khác nhau: Khu ngoài trời gồm một sân bóng đá cỏ nhân tạo (có ba sân nhỏ ghép thành một sân lớn), hai sân bóng rổ, một sân tennis và một đường chạy điền kinh. Khu thể chất ngoài sàn tập thể dục trong nhà còn có bể bơi.

Để khai thác tối đa các chức năng, đồng thời có kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình này không phải là điều dễ thực hiện. Thực tế này xảy ra với hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung. Đặc biệt, trước tình hình cân đối thu - chi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực sẵn có từ tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công.

Với những bất cập này, đầu năm 2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2016/NĐ-CP (Nghị định 04) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ. Tại Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc công nhận và xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp theo quy định. Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao, môi trường...

Theo đó, ngày 7-8-2017, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 3824/UBND-KT về thông báo danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp. Trong danh sách này có trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đây là cơ sở để trường Hà Nội -Amsterdam thực hiện thí điểm hợp tác hoạt động thể thao với đối tác tại khu thể chất.

Chỉ hợp tác ngoài giờ học

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam cho biết, để bảo đảm việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục thể chất, nhà trường đã xin phép Ban Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội được triển khai thí điểm hợp tác các hoạt động thể thao thuộc cơ sở vật chất nhà trường đang quản lý.

Mục tiêu chính vẫn là đảm bảo quyền lợi học sinh, giáo viên trong các hoạt động dạy và học

“Để đi tới đề xuất này, nhà trường đã có sự nhất trí của Đảng ủy, đồng thời đã họp bàn, thống nhất với toàn thể giáo viên thể chất, họp liên tịch thống nhất nội dung này” – ông Nguyễn Đình Vinh khẳng định. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã thành lập Tổ công tác để rà soát các văn bản ứng dụng cũng như triển khai hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội để đảm bảo hiệu quả của hoạt động thí điểm trong giai đoạn sắp tới.

Với cách thức hoạt động này, nhà trường đặc biệt quan tâm tới quyền lợi của học sinh và giáo viên. Theo đó, tất cả các giáo viên trong trường đều được sử dụng miễn phí khu thể chất. Các nhu cầu của xã hội được bên hợp tác thu phí và hoạt động theo quy định hiện hành và có các cơ quan chức năng giám sát theo quy định.

“Yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo an ninh trật tự trường học nên nhà trường đã phối hợp với Công an phường Trung Hòa và quận Cầu Giấy để mọi hoạt động trong và ngoài giờ chính khóa tại khu thể chất này đảm bảo an toàn, trật tự, không ảnh hưởng đến khung cảnh sư phạm” - ông Nguyễn Đình Vinh cho biết.

Theo đó, việc thí điểm hợp tác vừa đem lại cơ hội  duy trì chất lượng cơ sở vật chất, giảm thiểu chi phí bảo dưỡng từ ngân sách Nhà nước, đồng thời phục vụ tốt hơn cho hoạt động giáo dục thể chất của thầy trò nhà trường.

Hiệu quả của việc thí điểm vẫn đang được rà soát để đảm bảo hoạt động đúng quy định và đem lại hiệu quả cao, góp phần thực hiện tốt chính sách của nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp theo hướng đẩy mạnh xã  hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao…