Trước thềm hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Nhiều kiến nghị nóng gửi tới Chính phủ

ANTD.VN - Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sẽ diễn ra vào ngày 17-5 tới đây tại Hà Nội. Hiện đã có nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng trước thềm Hội nghị.

Trước thềm hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Nhiều kiến nghị nóng gửi tới Chính phủ ảnh 1

Tin vào Chính phủ kiến tạo, các doanh nghiệp đã hồ hởi gửi kiến nghị tới Thủ tướng trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017

Mong muốn những thông điệp rõ ràng

Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết, hội nghị có sự tham gia của khoảng 2.000 đại biểu. Trong đó, 1.500 đại biểu đến từ khối doanh nghiệp tư nhân, 200 đại biểu đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), định chế tài chính. Bên cạnh đó, còn có khoảng 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa.

Làm rõ hơn về chủ đề của Hội nghị là “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Lê Mạnh Hà cho biết, chủ đề này thể hiện quyết tâm của Chính phủ là kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp. Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 chủ yếu là đưa ra phương hướng, năm nay nội dung sẽ chủ yếu là sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải tạo môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ trực tiếp nêu lên khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp.

Hiện đã có nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng trước thềm Hội nghị. Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, sau một năm kể từ hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, chuyển biến lớn nhất chính là tư duy của Chính phủ, của chính quyền địa phương, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Trong những năm tới, nếu tiếp tục thay đổi tư duy theo chiều hướng này thì Chính phủ sẽ làm tốt việc đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, những phản ánh của doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp được truyền tải tới chính quyền các cấp, song việc nghiên cứu giải quyết của chính quyền và các cơ quan chức năng rất chậm hoặc không giải quyết.

“Các doanh nghiệp vẫn phản ánh là, một số cán bộ của một số ngành vẫn thích “hành”, thích “quản lý” doanh nghiệp, không coi trọng ý thức phục vụ doanh nghiệp như Thủ tướng đã nói”, ông Khang cho hay.

Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc cho rằng, các Bộ, ngành khi soạn thảo Nghị định, thông tư hướng dẫn cần rõ ràng, cụ thể, dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hiện không nên dùng từ đa nghĩa. Hết sức tránh tình trạng “bảo thủ” “lợi ích ngành” khi ban hành cơ chế, chính sách.

Còn theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, môi trường kinh doanh hiện nay được cải thiện nhiều, tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng, một số mặt vẫn còn yếu kém như vấn đề nộp thuế, giấy phép xây dựng... Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường.

Doanh nghiệp hưởng lợi

Chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Theo VCCI, việc ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Trước thềm hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Nhiều kiến nghị nóng gửi tới Chính phủ ảnh 2

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện

Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết là “tương đối tích cực”, “tích cực” và “rất tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ban đầu được hưởng lợi từ việc ban hành và thực hiện Nghị quyết.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong thực hiện thủ tục hành chính từ những giải pháp rất cụ thể của Nghị quyết đã giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ như “kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng”.

Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung...