"Trảm" nhà đầu tư "tay không làm dự án"

ANTD.VN - Nhận đầu tư tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và nâng cấp QL1 đoạn qua địa bàn Lạng Sơn với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 12.000 tỷ đồng nhưng liên danh các nhà đầu tư lại không thể bố trí được vốn cho dự án.

Liên danh nhà đầu tư cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vừa bị “trảm” do không đủ năng lực tài chính thực hiện dự án

Chấm dứt vai trò nhà đầu tư

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được khởi công vào ngày 5-7-2015, có chiều dài gần 64km, tổng vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng theo hình thức BOT. Nhà đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt, ký kết hợp đồng là liên danh 6 nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư 468, Công ty Cổ phần Giao thông Xây dựng số 1, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC do Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC đứng đầu (thành lập ra đơn vị đầu tư mới là Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn).

Tuy nhiên, sau lễ động thổ không lâu, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC đã rút khỏi dự án. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành đi vào sử dụng đầu năm 2018. Song cuối tuần qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chấm dứt vai trò nhà đầu tư dự án đối với Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn  do không huy động được vốn để triển khai dự án.

Việc Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT “trảm” nhà đầu tư “tay không làm dự án” hơn chục nghìn tỷ đồng nhận được sự đồng thuận từ dư luận nhưng nhiều người cũng đặt câu hỏi, phải chăng khâu lựa chọn có vấn đề nên mới để lọt nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính vào làm dự án hàng nghìn tỷ đồng?  

Không có tiền vẫn “ôm” dự án 

Tính đến đầu tháng 3-2017, liên danh nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn làm đại diện mới chỉ huy động được vỏn vẹn 550 tỷ đồng/1.294 tỷ đồng vốn chủ sở hữu theo quy định của hợp đồng BOT. Trong khi đó, toàn bộ vốn tín dụng phục vụ cho dự án lên tới hơn 12.000 tỷ đồng hiện mới chỉ dừng ở mức cam kết chung chung, chưa dự kiến được thời điểm ký hợp đồng tín dụng, lộ trình giải ngân. 

Sau nhiều lần được các bộ, ngành chức năng nhắc nhở, ra văn bản giục giã, nhà đầu tư vẫn không thể huy động được thêm vốn như đã cam kết khiến dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gần như đứng yên tại chỗ sau khi khởi công lấy lệ. Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư mới chỉ tập trung triển khai thi công nâng cấp QL1. 

Việc để lọt nhà đầu tư BOT kiểu “tay không bắt giặc” sẽ gây ảnh hưởng đến người dân và phần thiệt hại thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Thậm chí, từ những trường hợp như thế này, rất dễ xảy ra tình trạng “bán thầu”, kiếm chác hoa hồng từ việc chạy dự án

Ông  Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam

Đứng trước nguy cơ “rã đám”, ngày 9-3, liên danh nhà đầu tư đã đề nghị Bộ GTVT cho phép bổ sung một nhà đầu tư nữa là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) tham gia dự án với tỷ lệ góp vốn 70% để giải quyết những vướng mắc về vốn. Doanh nghiệp này cam kết làm việc với các ngân hàng cho vay 5.800 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án hơn 12.000 tỷ đồng. 

Sẽ tìm nhà đầu tư khác

Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấm dứt vai trò nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn của Công ty Cổ phần Bắc Giang - Lạng Sơn, Bộ GTVT cho rằng, đây là dự án cấp bách nối các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng với cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, do vậy, Bộ sẽ tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư khác để triển khai. Ông Nguyễn Hữu Long, Tổng Giám đốc Ban QLDA An toàn giao thông (Bộ GTVT - đại diện Nhà nước) cho biết: “Bộ GTVT sẽ tìm các nhà đầu tư khác để thay thế liên danh các nhà đầu tư vừa bị loại. Hiện đã có một vài nhà đầu tư quan tâm đến dự án, Bộ GTVT sẽ xem xét và quyết định”. 

Với đề xuất “giải cứu” dự án cùng với sự tham gia của Geleximco, theo Ban QLDA An toàn giao thông, đây mới là thông báo của liên danh các nhà đầu tư, đơn vị này chưa nộp đầy đủ hồ sơ và cơ quan quản lý chưa xem xét để đưa ra quyết định. Việc chấm dứt vai trò nhà đầu tư đối với dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn không có gì bất ngờ bởi sau khi khởi công, dự án này vẫn “án binh bất động”.

Song, điều đáng nói ở đây là phải chăng khâu đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có vấn đề, để “lọt” nhà đầu tư yếu kém, không đủ năng lực tài chính “ôm” dự án BOT kiểu “tay không bắt giặc”? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hữu Long nói: “Phải đến sau này liên danh các nhà đầu tư mới để lộ ra năng lực tài chính yếu kém của mình. Còn, lúc nộp hồ sơ liên quan đều thể hiện rất tốt, đầy đủ giấy tờ được kiểm toán rất “sáng sủa”.