Trách nhiệm cả ba phía

ANTD.VN - Có những giá trị truyền thống của dân tộc được giữ gìn, trân trọng từ đời này sang đời khác dù cuộc sống có thay đổi chuyển biến đến đâu. 

Chính sự thay đổi từ cuộc sống lại là thước đo chuẩn xác độ bền vững, bất biến của đạo lý như “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”... Trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà thời gian gần đây xảy ra những “sự cố” không hay từ thầy cô giáo, phụ huynh cho đến học sinh, dư luận xã hội lại gióng lên hồi chuông cảnh báo phải nhanh chóng chỉnh sửa, nâng cấp “ngôi nhà” giáo dục từ trên nóc.

Không thể phủ nhận hàng triệu giáo viên tâm huyết, dốc sức, dốc lòng trong sự nghiệp “trồng người” vì học sinh thân yêu. Dưới những mái trường nghèo ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những thầy cô giáo chấp nhận mọi thiếu thốn, thiệt thòi với đồng lương còi cọc, miệt mài bám bản, bám trường, dạy dỗ, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Những tấm gương giáo viên dạy giỏi, sáng tạo đã được cả xã hội tôn vinh, kính trọng.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, ở một số ngôi trường, một số thầy cô nào đó đã có những hành vi bạo lực với học sinh ngay trên bục giảng, ngay dưới mái trường dạy đạo đức, dạy làm người cho thế hệ tương lai của đất nước.

Đành rằng, “con sâu làm rầu nồi canh” chỉ là những hiện tượng cá biệt, song tác hại của nó có sức lây lan rất nhanh ra ngoài xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng giáo viên dạy thêm, sao nhãng việc dạy trên lớp cũng khiến cho hình ảnh thầy cô trong mắt học sinh “bớt thiêng liêng” đi rất nhiều. 

Có thể nói quá rằng “dột từ nóc” mái trường, lớp học là một thực trạng đáng báo động. Muốn “dọi” lại mái thủng, chắc chắn phải rà soát lại ngay từ đầu vào các trường sư phạm. Nhìn thẳng, nói thẳng sự xuống cấp của môi trường dạy và học, không có nghĩa là “bi kịch hóa”.

Bởi thực tế, tình trạng bạo lực trong trường học, những clip học sinh đánh hội đồng bạn học ngay trong lớp, trên sân trường và ngoài đường khiến cả xã hội bàng hoàng, lo ngại. Nhiều câu hỏi nhức nhối đã được đặt ra: Trách nhiệm của giáo viên, trách nhiệm của hiệu trưởng ở đâu?

Vì sao một môi trường đòi hỏi sự trong sạch, lành mạnh nhất lại diễn ra những hành động không khác gì côn đồ, “xã hội đen”? “Cái sảy nảy cái ung”, học sinh hành hung bạn học, hỗn láo, đánh lại cả người dạy dỗ mình là hậu quả tất yếu. Ở đây, trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ không thể vô can.

Để đạo lý “Tôn sư trọng đạo” không bị lu mờ, thầy ra thầy, trò ra trò, rõ ràng phải có sự chung tay từ cả ba phía gia đình, nhà trường, giáo viên. Ngày Nhà giáo Việt Nam rất nhiều hoa nhưng cũng rất cần những hành động, việc làm thiết thực và cấp bách.