Tổng thư ký Quốc hội: Ban Bí thư giữ nguyên mức kỷ luật cảnh cáo với bà Phan Thị Mỹ Thanh

ANTD.VN -  Trả lời báo chí chiều nay, 24-11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc xử lý kỷ luật với bà Phan Thị Mỹ Thanh vẫn đang được cơ quan chức năng về quản lý cán bộ xem xét, khi có kết quả thì sẽ báo cáo Quốc hội để xem xét tư cách ĐBQH.
Trả lời báo chí chiều nay, 24-11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc xem xét tư cách ĐBQH với bà Phan Thị Mỹ Thanh sẽ được thực hiện sau khi cơ quan chức năng về quản lý cán bộ xem xét, kỷ luật với nữ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai này.

Phó Bí thư Tỉnh ủy- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh

Vẫn đang xem xét việc xử lý với bà Phan Thị Mỹ Thanh

Tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XIV cuối buổi chiều 24-11, báo chí đặt câu hỏi với Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Trước kỳ họp này, đã có ý kiến cử tri đề nghị bãi miễn tư cách ĐBQH đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai sau khi bà Thanh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo? Vậy quy trình xử lý với bà Thanh đến nay ra sao?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại buổi họp báo diễn ra trước kỳ họp Quốc hội này, ông đã trả lời rằng vấn đề liên quan đến bà Phan Thị Mỹ Thanh đang được các cơ quan chức năng xem xét. Đến nay, việc này cũng vẫn đang tiếp tục xem xét.

“Trong quá trình xem xét, bà Phan Thị Mỹ Thanh có đơn khiếu nại liên quan đến việc mình bị kỷ luật cảnh cáo. Do bà Thanh là cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Bí thư, đoàn công tác của Ban Bí thư đã về làm việc và giữ nguyên mức kỷ luật cảnh cáo với bà Thanh. Liên quan đến công tác cán bộ, các cơ quan chức năng quản lý cán bộ đang làm, kết quả thế nào sẽ báo cáo Quốc hội” - ông Phúc cho biết.

Trước đó, như ANTĐ đã đưa tin, từ ngày 27 đến ngày 30-6-2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 15, sau khi xem xét UBKT quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bằng hình thức cảnh cáo vì vi phạm Luật phòng chống tham nhũng.

Tại một số buổi tiếp xúc cử tri giữa đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai với cử tri trước kỳ họp thứ 4- Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến cử tri đã đề nghị bãi miễn tư cách ĐBQH với bà Thanh. Ngay đầu kỳ họp thứ 4, trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này, bà Phan Thị Mỹ Thanh cho biết, bà lúc nào cũng tiếp thu, cầu thị ý kiến của người dân để bản thân mình có tiến bộ, đồng thời chia sẻ trong công việc ai cũng vậy, đã làm thì có sai, đã sai thì thẳng thắn nhận sai để sửa.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời tại buổi họp báo

Tân Bộ trưởng GTVT và Tổng thanh tra cũng sẽ phải lấy phiếu tín nhiệm

Vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ theo quy định. Báo chí đặt câu hỏi: Tại kỳ họp thứ 4-Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã phê chuẩn 2 thành viên Chính phủ mới là Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Vậy 2 tân Bộ trưởng, trưởng ngành này có phải lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội như các thành viên Chính phủ còn lại?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, căn cứ theo Nghị quyết 85 quy định, với các thành viên Chính phủ nhận chức trong thời gian 9 tháng trở lên là đủ thời hạn công tác để Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Trường hợp Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, tính đến kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018 đã nhậm chức được 1 năm, do vậy đủ điều kiện lấy phiếu tín nhiệm như các thành viên Chính phủ khác.