Tiếp bước đường cha đi

ANTD.VN - Lâu nay mọi người vẫn biết đến Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt - một lãnh đạo có bề dày kinh nghiệm trên 20 năm chỉ đạo công tác hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, nguyên là nữ Trưởng phòng duy nhất của Công an Thủ đô, nhưng rất ít người biết chị lại chính là con gái của Liệt sĩ Công an Hà Nội Nguyễn Thái Lang.

Dù thời gian đã lùi xa, những ký ức buồn đau tưởng chừng đã lắng xuống, song cứ mỗi độ tháng 7 về, chị lại cảm thấy sự trống vắng đến nao lòng mỗi khi nhớ đến người cha đã hy sinh. 

Tiếp bước đường cha đi ảnh 1Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt (thứ hai từ trái sang) luôn quan tâm đến các hoạt động tri ân đối với các gia đình có công với cách mạng

Khát khao cháy bỏng được cống hiến

Tên thật của ông là Nguyễn Tài Dạ, còn tên hoạt động khi ở Ban An ninh T4 là Tám Phong, Tám Thắng. Quê ông ở xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ông đi theo cách mạng và tham gia lực lượng an ninh từ thời trai trẻ với bầu nhiệt huyết, tinh thần yêu nước lớn lao.

Cùng với lớp thanh niên thuở ấy, ông đã tham gia phong trào du kích Ba Tơ. Năm 1954, theo sự điều động của tổ chức, ông tập kết ra Bắc, đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau, từ chỉ huy lực lượng công an cứu hỏa đến Trưởng Công an quận Hàng Cỏ, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tuy là người lãnh đạo chỉ huy nhưng không lúc nào ông tỏ ra quan cách, mà trái lại, lúc nào cũng vui vẻ, yêu thương đồng chí, đồng đội, tận tâm với công việc và dành thời gian gần gũi với các con. 

Nhưng trái tim của người chiến sĩ cách mạng vẫn cháy bỏng khát khao được cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Giấu vợ con, ông lặng lẽ đăng ký đi B và vào huấn luyện tại Trường C500 (nay là Học viện An ninh nhân dân) cho đến ngày lên đường.

Tạm biệt Thủ đô, gạt đi  trăn trở riêng tư về gia đình, về người vợ tần tảo đã gắn bó với mình trong thời kỳ đầu hoạt động cách mạng, về 5 đứa con còn thơ dại (nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi), đồng chí Nguyễn Tài Dạ đã xung phong ra đi với quyết tâm cao nhất. Ngày ông đi, chị Nguyệt còn quá bé, những ký ức về ông, chị thường được nghe mẹ kể hàng ngày trong niềm nhớ nhung vô hạn.

Có lẽ những ký ức đó đã đi sâu vào tâm trí chị, gắn bó suốt tuổi thơ của chị, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nên nhân cách con người chị - giản dị, chân thật và rất gần gũi. 

Khoảng thời gian đầu khi ông vào chiến trường miền Nam thật khó khăn đối với gia đình chị. Mẹ chị cũng là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, đã từng nằm gai nếm mật trong những ngày kháng chiến tại quê nhà; gan dạ, bền bỉ là vậy mà cũng cảm thấy chống chếnh, hụt hẫng. Bà thường ôm các con vào lòng mỗi khi nhớ đến ông.

Nhớ lời dặn dò của chồng trước lúc lên đường, mẹ chị đã gắng gượng vượt qua để nuôi dạy các con khôn lớn. 5 người con sống trong sự yêu thương đùm bọc của các cô chú là đồng nghiệp của bố và mẹ thuộc Công an quận Hoàn Kiếm. 15 năm trôi qua cho đến ngày đất nước thống nhất, vượt qua bao khó khăn vất vả, các anh chị đã lớn lên trong vòng tay yêu thương, tần tảo của người mẹ, sự giúp đỡ của các đồng nghiệp của ông ở lại hậu phương.

15 năm đợi chờ và mãi mãi…

Ngày Độc lập, Hà Nội ngập tràn cờ hoa. Chị và gia đình mừng vui khôn xiết với niềm vui chung của dân tộc. Vậy là chiến tranh đã kết thúc, vậy là bố sắp về. Cứ nghĩ đến điều đó, lòng chị lại lâng lâng một cảm xúc khó tả. Thế nhưng, đợi mãi, chờ mãi mà sao vẫn chưa thấy bước chân bố về. Nhà nhà, người người đã đoàn tụ. Ngày ngày, chị và các anh chị em vẫn ra bậu cửa đứng ngóng, tự nhủ lòng chắc bố còn giải quyết nốt công việc trong đó rồi sẽ ra. Càng chờ đợi, càng vô vọng. Mẹ chị quyết định gửi các con cho đồng nghiệp chăm sóc, một mình lặn lội vào trong Nam hỏi thăm tin tức của ông. Và rồi những lo lắng, sợ hãi của bà đã trở thành hiện thực. 

Qua lời kể của đồng đội, bà được biết ông là cán bộ cốt cán ở Ban An ninh T4. Với dáng dấp của một tri thức, ông được giao nhiệm vụ hoạt động bí mật nhằm che mắt quân địch. Lần ấy, ông vừa được bổ nhiệm chức vụ Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, Kiểm trưởng phân khu 23. Hôm trở về huyện Bình Chánh để nhận nhiệm vụ, trên đường đi, ông và một đồng chí giao  liên đã sa vào ổ phục kích của quân địch và anh dũng hy sinh năm 1972. Thi thể của ông được người dân địa phương vùi giấu dưới cát, cạnh bờ sông.

Trở lại ngoài Bắc, mẹ chị ôm các con vào lòng mà khóc. 15 năm chờ đợi và bây giờ sẽ là mãi mãi, các con sẽ không còn được nghe tiếng cha, không còn được gọi tiếng cha ơi. Sẽ không có những chiều thanh bình, cha đưa các con lên cầu Thê Húc ngắm cảnh hồ Gươm. Những thông tin về ông mà gia đình chị có được chỉ vỏn vẹn qua lời kể từ đồng đội. Mẹ chị đau đáu đi tìm hài cốt của ông nhưng bà đã qua đời khi tâm nguyện chưa thành. Thực hiện lời dặn dò của mẹ, chị và các anh chị em đã tìm hỏi, gặp gỡ nhiều người. Bất cứ ở đâu có thông tin, dù ít, dù nhiều, chị và mọi người lại lập tức tìm đến. 

Sau nhiều năm đằng đẵng, cuối cùng chị và các anh chị em đã đứng trước mộ ông. Một ngôi mộ nhỏ ven sông, dưới mộ phần chỉ còn những phần xương không nguyên vẹn. Theo nguyện vọng của gia đình, hài cốt của Liệt sĩ công an Nguyễn Thái Lang được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, bên cạnh mộ phần người vợ đã dành cả đời chờ đợi chồng.

Noi gương cha, cống hiến hết mình 

Từ trong sâu thẳm, chị và các anh chị em của mình luôn có hình bóng của bố. Có lẽ vì thế mà cả 5 chị em đều là những sĩ quan trong lực lượng công an nhân dân và ai cũng mong muốn được cống hiến hết mình cho sự nghiệp mà ông đã đổ máu xương mới giành được. Bản thân chị cũng luôn tự nhủ phải noi gương bố, nỗ lực học tập, phấn đấu trở thành cán bộ công an mẫu mực, cống hiến sức mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Trải qua hơn 20 năm với cương vị lãnh đạo phòng, chị luôn xác định vai trò trách nhiệm của người chỉ huy đơn vị, năng động và sáng tạo trong công tác chỉ huy, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ chỉ đạo cán bộ chiến sĩ nghiêm túc thực hiện quy trình công tác, giải quyết nhanh gọn, chính xác các yêu cầu nghiệp vụ thường xuyên và đột xuất, lãnh đạo đơn vị đạt nhiều thành tích, chiến công. 

Tuy là người chỉ huy nhưng không vì thế mà chị xa cách mọi người. Trái lại chị luôn gần gũi, sống giản dị, quan tâm chăm lo đời sống cho cán bộ chiến sĩ. Nhiều cán bộ trẻ còn tìm đến chị gửi gắm tâm sự bởi họ đều coi chị như người mẹ, người chị trong gia đình.

Thấu hiểu nỗi đau mất mát của những gia đình thương binh, liệt sĩ nên các hoạt động vì cộng đồng, hoạt động tình nghĩa luôn được chị quan tâm, chú trọng và đẩy mạnh. Hàng năm, chị đều chỉ đạo Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên phát động cán bộ chiến sĩ quyên góp ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, gia đình chính sách, hộ nghèo, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi gia đình cán bộ chiến sĩ trong đơn vị có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ chiến sĩ hoặc thân nhân phải nằm viện điều trị. 

Chị cũng đã chỉ đạo Đoàn thanh niên phối hợp cùng các chi đoàn bạn quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và một số tiền mặt để trực tiếp tổ chức trao tặng sách vở cho trẻ em nghèo; đồ chơi, thiết bị giáo dục cho trường mầm non; quà cho học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn và các gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ tại 3 xã  nghèo Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân thuộc huyện Thạch Thất nhằm tỏ lòng tri ân đối với các gia đình có công với cách mạng. 

Với những đóng góp trong công tác chuyên môn cũng như hoạt động đền ơn đáp nghĩa, Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt đã vinh dự được UBND TP Hà Nội trao tặng Bằng khen dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2012). Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt được CATP Hà Nội mời tới dự Hội nghị gặp mặt biểu dương người có công tiêu biểu CATP với sự hiện diện của hơn 600 thương binh, thân nhân liệt sỹ và những người có công.