Thủy điện nhỏ, siêu nhỏ: Lợi ít, hại nhiều

ANTD.VN - Tại hội nghị rút kinh nghiệm ứng phó mưa lũ diễn ra sáng 2-12, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, nhà máy thủy điện Hố Hô đang khiến cho các địa phương trên địa bàn tỉnh rơi vào tình thế lúng túng, bị động khi chỉ đạo ứng phó với mưa lũ. 

Thủy điện nhỏ, siêu nhỏ: Lợi ít, hại nhiều ảnh 1Mưa lũ đang gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Nam Trung bộ

Thủy điện nhỏ đóng góp không đáng kể

Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Nhà máy thủy điện Hố Hô không có thiết bị quan trắc mực nước ở thượng nguồn và bản đồ ngập lụt. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhà máy này đã xả lũ bất ngờ khiến các huyện Hương Khê và Vũ Quang ngập lụt trên diện rộng. Mực nước ngập sâu phổ biến từ 3 - 4m, cá biệt có nơi ngập sâu đến 6m. Qua 2 trận lũ lớn tháng 10 và tháng 11 vừa qua cho thấy Nhà máy thủy điện Hố Hô khiến chính quyền và người dân vùng hạ lưu rất bị động trong ứng phó và phòng tránh lũ. 

Kiến nghị với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đề xuất cần có xem xét, đánh giá toàn diện về công trình này để làm rõ hiệu quả kinh tế và xã hội. Trên thực tế, mỗi lần thủy điện này xả lũ, người dân thiệt hại rất lớn về tài sản và hoa màu.

Đề cập đến vấn đề thủy điện xả lũ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Bình, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cũng cho rằng, công trình thủy điện phải làm tốt vai trò điều tiết cắt lũ. Khảo sát ở các tỉnh miền Trung cho thấy đang có nhiều công trình thủy điện quy mô nhỏ, trong đó có thủy điện Hố Hô, đóng góp vào ngân sách Nhà nước không đáng kể, mỗi năm chỉ hơn 1,5 tỷ đồng. Trong khi đó, những công trình thủy điện này gây thiệt hại rất lớn cho người dân khi có mưa lũ xảy ra. Thiếu tướng Nguyễn Văn Bình đề nghị, các bộ, ngành cần phối hợp thảo luận để quyết định một giải pháp xử lý đối với các nhà máy thủy điện công suất nhỏ, không để xảy ra tình trạng xả lũ gây thiệt hại cho người dân như vừa qua.

Sớm xây dựng bản đồ ngập lụt

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, công tác phòng chống lũ ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vừa qua bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, trong đó có vấn đề quản lý việc vận hành xả lũ ở các hồ chứa còn gây khó khăn cho người dân. Đặc biệt là các hồ công suất nhỏ, thông báo xả lũ đến các hộ dân còn chậm dẫn đến nhiều thiệt hại nghiêm trọng. “Ở miền Trung có nhiều công trình thuỷ lợi, thuỷ điện nên việc vận hành, điều tiết, xả lũ không để thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân là việc hết sức quan trọng. Theo đó, các bộ, ngành địa phương cần sớm nghiên cứu xây dựng các bản đồ ngập lụt ở hạ du để có cơ sở trong công tác ứng phó, phòng chống mưa lũ”, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng nói. 

Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, dù đã có quy định về cơ chế trao đổi thông tin trước khi xả lũ nhưng sắp tới nên xây dựng thêm quy định cụ thể, chính quyền địa phương phối hợp với các chủ hồ, thủy điện để ứng phó hiệu quả khi có tình huống xả lũ. Nếu một trong hai bên không làm tốt công việc và chức năng của mình thì phải chịu trách nhiệm nếu để xả lũ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và người dân. 

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, những đợt mưa lũ phức tạp như tháng 10 và tháng 11 vừa qua sẽ còn tái diễn tại các tỉnh miền Trung. Hiện các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định đang có mưa lớn, với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, mưa dự kiến kéo dài hết ngày 4-12. Lũ trên hệ thống sông từ Quảng Nam đến Phú Yên lên cao. Đáng nói, ngày 5 hoặc 6-12 sẽ có một đợt không khí lạnh gây mưa lớn từ 200-400mm tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên.