Thượng tướng Lê Chiêm: Doanh nghiệp quân đội mà chỉ làm kinh tế đơn thuần thì dứt khoát cho nghỉ

ANTD.VN - Thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) tại Quốc hội sáng nay, 14-11, nội dung còn nhiều ý kiến băn khoăn là quy định quân đội làm kinh tế. Tuy nhiên, theo Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ĐBQH tỉnh Kon Tum), gắn kinh tế với quốc phòng là quan điểm bất di, bất dịch.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Quốc hội

Trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội sáng 14-11, Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh thêm, kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng trong phát triển kinh tế xã hội là bất di, bất dịch, tất cả các dự án lớn của quốc gia đều phải kết hợp kinh tế - quốc phòng.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong 88 doanh nghiệp của quân đội, trong đề án đổi mới doanh nghiệp và đề án cổ phần hóa doanh nghiệp của quân đội, đã công bố rõ là chỉ còn giữ lại 17 doanh nghiệp vốn nhà nước. Số còn lại thì tập trung củng cố, doanh nghiệp nào có điều kiện phát triển tốt sẽ tiến hành cổ phần hóa còn doanh nghiệp nào yếu kém, không làm được thì giải tán.

“Quan điểm rất rõ ràng, củng cố đội ngũ để thực sự phục vụ cho kinh tế quốc phòng. Tuy nhiên, về lâu về dài, những doanh nghiệp có yếu tố làm kinh tế đơn thuần, không có yếu tố quốc phòng dứt khoát là cho nghỉ” – ông Chiêm nói.

Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm, đối với các doanh nghiệp lớn của Bộ Quốc phòng như các tập đoàn Viettel, các xưởng đóng tàu… đều góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội; vừa làm nhiệm vụ quốc phòng nhưng vừa phát triển kinh tế, do đó kết hợp kinh tế với quốc phòng nên phát huy. Đặc biệt trong bối cảnh nước ta hiện nay, nếu không kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng, chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì khó phát triển, xây dựng quốc phòng mạnh được.

Cùng quan điểm này, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh quân khu 2 (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho rằng, vấn đề quân đội làm kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chứ không riêng nhiệm vụ của quân đội.

ĐBQH Sùng Thìn Cò (Hà Giang) phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

“Chúng ta phải nghĩ lâu dài, kinh tế mạnh thì quốc phòng mới mạnh được, chứ kinh tế yếu kém thì quốc phòng cũng yếu kém” – ĐB Sùng Thìn Cò nói. Cũng theo ĐB này, quân đội cần tập trung chủ yếu nghiên cứu công nghiệp quốc phòng, không chỉ phục vụ bảo vệ đất nước mà thậm chí còn có thể hướng đến xuất khẩu quốc phòng.

Một nội dung khác còn có ý kiến ĐBQH băn khoăn trong dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) là quy định “không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trước trong quan hệ quốc tế” tại khoản 3, Điều 4 dự thảo. ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, nếu quy định như vậy thì ta luôn luôn bị động trong phòng thủ.

“Nên chăng quy định lại thành “không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, chứ không nên quy định “trước”, bởi trước hay sau phải phụ thuộc vào tình hình cụ thể” – ĐB Tô Văn Tám góp ý.

Song theo ĐB Sùng Thìn Cò, việc dự thảo Luật quy định “không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trước trong quan hệ quốc tế” là phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.

“Đường lối quốc phòng, quân sự của chúng ta là quốc phòng phòng thủ chứ không phải đi tấn công, xâm lược các nước. Và chúng ta cũng không cho các nước sử dụng lãnh thổ của chúng ta đi tấn công nước thứ ba. Chúng ta giữ quan điểm kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích của kẻ thù nhưng kiên quyết, mềm dẻo. Ý này không có gì gây khó khăn cả” – Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói.