Thuốc đắng có dã tật?

ANTĐ - Người bệnh có thể cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút khi hay tin Bộ Y tế lùi thời điểm tăng giá dịch vụ y tế khoảng 30% vào cuối tháng 8 năm nay. Với việc đưa lương vào viện phí, đợt điều chỉnh lần này ước tính có gần 2.000 dịch vụ kỹ thuật y tế tăng giá, áp dụng cho các bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, người bệnh vẫn ám ảnh nỗi lo về chất lượng từng viên thuốc. Liệu thuốc đắng có dã tật hay uống thuốc vào rồi “tiền mất, tật mang”?

Nỗi lo của người bệnh không phải bây giờ mới có và càng không phải vô cớ. Mặc dù, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chưa công bố con số thống kê về thị trường thuốc chữa bệnh hiện nay, song chỉ trong thời gian gần đây, khi cơ quan chức năng vào cuộc, dư luận xã hội không khỏi sửng sốt, lo ngại. Việc thu hồi nhiều loại thuốc kém chất lượng, không đạt chất lượng, hàm lượng, đặc biệt thuốc kháng sinh, chống chỉ định... tăng một cách bất thường, gióng lên hồi chuông cảnh báo, cấp báo cho các nhà quản lý thị trường dược phẩm.

Cách đây không lâu, một số cơ sở kinh doanh tân dược đã bị bắt quả tang khi có hành vi gian lận thương mại như tẩy xóa thời hạn sử dụng thuốc trên bao bì, nhập nhằng tên biệt dược, nhãn hiệu. Trong khi đó, hàng trăm cửa hàng bán thuốc mọc lên la liệt dọc các phố, bám quanh các bệnh viện, nhất là những “phố tân dược” hầu như không được thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh đảm bảo an toàn cho mặt hàng đặc biệt này.

Đó là chưa kể yêu cầu người bán hàng phải có bằng cấp dược sỹ, thẻ trình dược viên cũng như cửa hàng phải có bảng niêm yết tên thuốc, giá thuốc. Có thể nói, hiếm có nước nào như nước ta, người dân mua thuốc chữa bệnh dễ dàng như mua... rau ngoài chợ,       không cần đơn thuốc của bác sĩ, chỉ cần kể bệnh là nhân viên cửa hàng sẵn sàng bán ngay.

Thực trạng này đã và đang diễn ra hàng ngày, kéo dài nhiều năm nay, song đáng tiếc là chưa có biện pháp mạnh tay, quyết liệt để hạn chế và ngăn chặn. Đợt kiểm tra, thu hồi những lô thuốc không đạt chất lượng, nhất là thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh đang diễn ra, nhưng liệu còn có biết bao những lô thuốc không đảm bảo ấy còn đang lưu hành trôi nổi ngoài thị trường, chưa được thu hồi sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc ở mức độ trầm trọng trước thực trạng lạm dụng thuốc ở nước ta hiện nay.

Chưa hết, còn rất nhiều loại thuốc khác “lọt lưới” trong cuộc kiểm tra vừa qua, ai dám đảm bảo chất lượng, hàm lượng, thời hạn sử dụng khi đến tay người bệnh? Thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng đòi hỏi người tiêu dùng thông thái đã khó, với thuốc chữa bệnh thì quả là thách đố. Uống thuốc vào người ai chả mong “thuốc đắng dã tật” chứ đâu phải lo sợ rước thêm họa vào thân.