Thủ tướng: Trước khi gieo hạt, cần nghĩ sẽ bán nông sản cho ai

ANTD.VN - Sáng nay 9-4, tại Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành đã có buổi đối thoại với nông dân về những khúc mắc trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, quan trọng nhất là tháo gỡ những khó khăn cho nông dân đặt ra hiện nay. Vì sao nông dân nước ta chưa giàu, vì sao một đất nước chiếm tới 70% người dân sống ở nôn thôn, nhưng đóng góp cho GDP chỉ có 16%-17%?

Lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều vấn đề nhưng tựu chung lại, Thủ tướng cho rằng có thể gộp vào 4 nhóm: đất đai; thị trường; công nghệ và đầu vào cho nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới bao gồm cả hạ tầng, đời sống vậ chất tinh thần và văn hóa của nông thôn. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân tại Hải Dương

Tại buổi đối thoại, vấn đề  “được mùa mất giá” nhận được sự quan tâm của nhiều nông dân tham gia. Nông dân Tăng Xuân Trường, Gia Tân, Gia Lộc, Hải Dương cho biết, ông đang chuyên canh 300 ha rau củ, nhưng khá lo lắng về tình trạng nông sản thường xuyên dư thừa như su hào đổ đi ở Tứ Kỳ, mía của nông dân miền Trung phải đốt bỏ... Điểm yếu lớn nhất của nông nghiệp hiện nay là tổ chức sản xuất không gắn kết với thị trường đã dẫn đến tình trạng lúc thiếu lúc thừa nông sản.

Thủ tướng cho rằng, trước khi đặt hạt gieo, nông dân cần nghĩ sẽ bán sản phẩm cho ai

Trả lời câu hỏi này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Chưa bao giờ nông nghiệp Việt Nam đạt được thành quả lớn như hiện nay. Còn tình trạng su hào, mía, dưa hấu dư thừa không phải là phổ biến, chỉ là nhỏ lẻ chứ không phải cả nền nông nghiệp Việt Nam có tình trạng như vậy. Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp rất tốt, xuất khẩu nhiều sản phẩm mới.

Đây là thành công nhưng vẫn còn tình trạng được mùa mất giá ở một bộ phận nhỏ. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan hoàn thiện thể chế, tạo chính sách mới. Hiện nay, Chính phủ đang sửa đổi Nghị định 210 đầu tư vào nông nghiệp theo hướng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và có thể ký ban hành ngay trong tháng 4 này.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải mở rộng thị trường, tìm thị trường mới, tốt hơn. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đi làm việc ở bất kỳ đâu đều quảng bá về nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên nông dân cũng cần phải thay đổi thói quen sản xuất, phải sản xuất cái thị trường cần chứ không phải sản xuất cái mình có. Trước khi gieo hạt, cần nghĩ tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai?”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa được Thủ tướng đề cập là phải đẩy mạnh chế biến nông sản hơn nữa. Hiện cả nước mới có 8 nhà máy chế biến nông sản. Vừa rồi đã có thêm nhà máy chế biến nông sản lớn nhất cả nước ở Long An.

Chúng ta sản xuất được, nhưng chế biến mới là khâu quan trọng để chủ động điều tiết thị trường, các doanh nghiệp cần tham gia xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị nông sản. Ở các nước, nhờ có nhà máy chế biến nên trái cây, nông sản có thể bảo quản tới 6 tháng.

Vì vậy, vấn đề Thủ tướng đặt ra cho ngành NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan trong thời gian tới là, phải có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua.

Cần nghiên cứu các mô hình kinh tế chia sẻ, giải pháp công nghệ mới nâng cao khả năng kết nối sản xuất - thị trường, tăng cường tính minh bạch trong chuỗi giá trị nông nghiệp, cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngăn chặn thực phẩm bẩn.