Thứ trưởng Lê Quý Vương: "Sẽ xử nghiêm cá nhân sai phạm trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh"

ANTĐ - Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 20-7 về vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, Thượng tướng Lê Quý Vương - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ Công an vẫn đang tiến hành điều tra và đã có văn bản báo cáo Tổng Bí thư.

- PV: Xin ông cho biết vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đang được cơ quan điều tra thực hiện tới đâu?

Thứ trưởng Bộ Công An, Thượng tướng Lê Quý Vương: Bộ Công an đã giao cho hai đơn vị là Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát. Hiện vụ việc đang được nghiên cứu và chưa có kết quả nên chưa thể công bố. Luật là phải làm chắc chắn, kể cả Tổng Bí thư không chỉ đạo thì khi xem xét có dấu hiệu vi phạm vẫn phải làm. Bộ Công an đã có văn bản báo cáo Tổng Bí thư.

-Việc xử lý các tổ chức, cá nhân cấp biển số xe sai trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh đến đâu, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc. Vừa rồi đã làm rõ sai phạm của mấy anh cấp biển rồi, Bộ Công an đang cho thanh tra lại toàn bộ việc đăng ký quản lý biển cấp biển xe của Công an tỉnh Hậu Giang, từ đó rút kinh nghiệm triển khai trong toàn ngành. Quan điểm của Bộ đã sai là phải xử lý và xử nghiêm.

Thứ trưởng Lê Quý Vương trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, sáng 20-7

-Quá trình điều tra dự kiến bao giờ kết thúc, thưa ông?

-Thời gian dự kiến hoàn thành vụ việc này phải theo quy định của luật, thời hạn về giải quyết tin báo tố giác tội phạm, thời hạn điều tra đều có trong luật. Nhưng vì là vấn đề Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm, nên trách nhiệm của ngành công an phải làm sớm. Thời hiệu điều tra không quá 2 tháng so với luật cũ, 3 tháng so với luật mới. Từ khi khởi tố thì khoảng 4 tháng với các vụ án nghiêm trọng. Riêng án kinh tế có thể phải kéo dài hơn, vì chứng minh tội phạm kinh tế rất phức tạp, cả quá trình xem xét tài liệu, đối chiếu, nhất là những vấn đề liên quan đến chứng cứ thì mới thuyết phục.

-Về thông tin ông Trịnh Xuân Thanh có liên quan tới vụ làm thất thoát 3.000 tỷ đồng tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thì sao, thưa ông?

-Việc làm thất thoát khoảng 3.000 tỷ đồng, theo tôi biết là trên cơ sở tài liệu thông báo cơ quan thanh tra, còn giờ chưa thể nói rõ. Đây là một công ty lớn, có công ty mẹ, các công ty con, theo hạch toán của các công ty. Có thể sai phạm xảy ra ở công ty con, liên quan đến sự điều hành của công ty mẹ, nên phải có thời gian.

-Bộ Công an có gặp áp lực nào trong vụ việc này không?

-Nói về nghề điều tra thì rất nhiều áp lực, áp lực từ những vụ án hình sự, kinh tế, ma tuý. Tất cả loại hình án đều có áp lực rất lớn. Ví dụ án hình sự, ma tuý thì tính chất của nó rất cao khi phải đối phó với tội phạm nguy hiểm. Nhưng với tội phạm kinh tế thì tiếp xúc với người có học hành cơ bản, nắm bắt nguyên tắc kinh tế, hiểu về pháp luật nên đối phó của người ta hết sức kín đáo và tìm ra tài liệu chứng cứ, phải có suy nghĩ phân tích, đánh giá tìm được chứng cứ.

Song áp lực nào cũng vậy thôi, đã điều tra phải tuân theo pháp luật. Bản thân tôi cũng vậy, lúc nào cũng phải lấy chữ tuân thủ pháp luật làm đầu. Không làm oan người không có tội, không bỏ lọt tội phạm, đó là nguyên tắc của người làm điều tra, có như vậy mới thanh thản được.

-Xin cảm ơn Thứ trưởng!