Thầy ra thầy, trò ra trò

ANTD.VN - Việc một số trường sư phạm đưa ra mức điểm chuẩn đầu vào ở mức 3 điểm/môn đã khiến dư luận xôn xao, xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

 Vai trò quan trọng của ngành sư phạm như thế nào trong việc đào tạo đội ngũ thầy cô có chất lượng thì không cần phải bàn thêm. Điều đáng bàn mà xã hội đặt ra là ngành giáo dục phải có giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng đầu vào.

Trong cuộc họp vừa diễn ra với hơn 30 trường sư phạm trong cả nước, “tư lệnh” ngành Giáo dục đã thể hiện sự quyết liệt trong kế hoạch chấn chỉnh, kiểm soát dữ liệu tuyển sinh của các trường sư phạm trong kỳ tuyển sang năm. Trước mắt, đào tạo phải theo “nhịp đập” của nhu cầu sử dụng. Ngành nào dư thừa giáo viên dứt khoát phải dừng đào tạo, không tái diễn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu thầy cô như thời gian qua. Đặc biệt, những ngành đang đào tạo, song không thỏa mãn được các điều kiện đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra cũng sẽ kiên quyết đóng cửa. 

Không như các ngành “hot” đang được công ty, doanh nghiệp săn đón, chất lượng đầu vào của ngành “trồng người” phải được quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, ngành sư phạm cần học tập ngành quân đội, công an. Các trường của lực lượng vũ trang có điểm chuẩn rất cao vì có những chế độ ưu đãi từ khi bước vào cổng trường cho đến lúc ra trường. Hấp dẫn hơn, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp, sinh viên còn được đón nhận với mức lương cao so với thang lương chung. 

Có ý kiến đề xuất, nếu coi giáo dục là quốc sách, thì những chế độ đãi ngộ từ khâu đào tạo đến khi ra trường, nhất là thang bảng lương của ngành sư phạm phải được xếp ngang hàng với ngành quân đội, công an. Vì thế, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cống hiến, yêu nghề, gắn bó với sự nghiệp “trồng người” của thầy cô; đồng thời tạo sự hấp dẫn, thu hút sinh viên theo học ngành sư phạm.

Không chỉ ở Việt Nam, ở các nước có ngành giáo dục phát triển với những trường đại học được xếp hạng hàng đầu thế giới, các trường sư phạm luôn tuyển chọn những sinh viên ưu tú, xuất sắc nhất. Giáo viên giỏi thì mới cho “ra lò” thế hệ học sinh giỏi. “Tôn sư trọng đạo” không chỉ là truyền thống, đạo lý ngàn năm của dân tộc. Điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm giảm sút, không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục. Ngành giáo dục từng có khẩu hiệu: “Thầy ra thầy, trò ra trò”, bây giờ nhắc lại không thừa.