Thành phố mùa thay lá

(ANTĐ) - Thật kỳ lạ, chẳng cứ xuân hay hè, thu hay đông, Hà Nội có những rặng cây mà hễ gió mùa về là ào ạt trút lá. Chỉ trong chớp mắt, một màu vàng đã trải thảm trên phố, phủ lên những chiếc xe ôtô đậu ven đường, vương lên tóc, lên vai, quẩn vào chân người đi đường. Lá cứ bay như thể chẳng quan tâm đến việc đời, nhẹ nhàng hết một kiếp lá, nhường chỗ cho lộc mới chồi lên.

Thành phố mùa thay lá

(ANTĐ) - Thật kỳ lạ, chẳng cứ xuân hay hè, thu hay đông, Hà Nội có những rặng cây mà hễ gió mùa về là ào ạt trút lá. Chỉ trong chớp mắt, một màu vàng đã trải thảm trên phố, phủ lên những chiếc xe ôtô đậu ven đường, vương lên tóc, lên vai, quẩn vào chân người đi đường. Lá cứ bay như thể chẳng quan tâm đến việc đời, nhẹ nhàng hết một kiếp lá, nhường chỗ cho lộc mới chồi lên.

Nhưng gã bạn tôi, một người yêu lá rụng Hà Nội đến “mê muội” thì không thấy thế. Xa Hà Nội thì thôi, chứ nếu ở đây, vào cữ tháng 5 bắt đầu vào mùa cây thay lá, càng lúc trời giông gió ầm ầm, đen kịt lại như sập đến nơi, sấm chớp rạch trời thì gã lại càng nhao ra đường. Mắt ngắm tay chớp, ảnh gã chụp đẹp đến nỗi, nhiều người ở Hà Nội còn cứ ngỡ là sắp đặt hoặc photoshop chứ làm sao có những con phố đẹp như tranh thế. Gã nghe mà không (buồn) giải thích. Chỉ cười.

Tôi an ủi gã, không phải ai cũng đắm đuối với phố, với lá như gã. Có thể người ta đặt mối quan tâm vào những thứ khác, chẳng hạn con đường gốm sứ, rùa hồ Gươm, quy hoạch phía Tây... Gã bảo, tầm vĩ mô thì nói làm gì, đến cái đập ngay vào mắt mình hàng ngày còn chả thấy, chả cảm thì đừng nói xa xôi. Tôi đến chịu cái gã gàn dở, cũng chẳng (buồn) cãi cọ tranh luận với gã. Tuy nhiên, cũng phải nhắc gã rằng, nhiều khi niềm vui của người này lại là nỗi buồn của người khác.

Tỉ như, nếu như chiều nay đây, tôi và gã được tung tăng với các thảm lá vàng mà gã gọi là “bầy chim lá” thì ngay trong đêm, những người công nhân vệ sinh đã phải cần mẫn dọn dẹp từng chiếc một để sáng mai ra, Hà Nội không còn lép nhép, bẩn thỉu và khó chịu bởi lá mục nát, vương vãi. Với thảm lá ấy, quét vài nhát đã nặng chổi, mướt mồ hôi, có khi một đoạn phố đã đầy chật mấy xe. Gã mím môi gật đầu bảo phải, kể ra nhiều khi cũng không nên ham đẹp mà vô tình.

Về điểm này, tôi vô cùng đồng tình với gã. Thậm chí, có những cái đẹp giữa Hà Nội còn trở nên độc hại. Chẳng hạn, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, có đến hơn chục cây số chỉ trồng rặt một loại trúc đào ở dải phân cách. Không phải chỉ ở đó, khắp thành phố, các khu đô thị, các công viên, hàng rào nhiều “biệt thự phân lô” loài cây này vẫn rất phổ biến. Ngay cả nhiều đoạn trên Đại lộ Thăng Long hiện nay cũng thấp thoáng màu hồng đặc trưng của loại hoa này.

Vẫn biết, trúc đào đẹp và dễ trồng, cũng chẳng rụng lá nhiều  như sấu, xà cừ, nhưng cây trúc đào độc thế nào, không phải ai cũng biết, thậm chí người ta còn gọi nó là “hoa tử thần”. Theo các nghiên cứu, cây trúc đào độc từ thân, lá đến nhựa và hoa, thậm chí độc tính còn mạnh hơn khi phơi khô. Người trúng độc có thể bị rối loạn tiêu hóa, loạn nhịp tim, chân tay run rẩy dẫn đến tử vong. Tất nhiên, chưa có trường hợp cụ thể nào bị chết do loại cây này, song, để quá nhiều cây độc như vậy tồn tại hiên ngang nơi công cộng là một điều nhiều người Hà Nội thấy “khó hiểu”.

Nhưng Hà Nội cũng đang tồn tại một nghịch lý, trên khắp các tuyến đường mới, người ta đang phải hối hả trồng cho “đúng tiến độ”, cho “hoàn thiện dự án”. Nhưng dường như, việc trồng cây chỉ là để có chứ chưa thực sự được tính toán khoa học hay có sự quy hoạch một cách có chủ định, tạo nên nét đẹp, tạo điểm nhấn, tạo sự riêng biệt cho từng khu phố, từng con đường. Đại lộ Thăng Long là con đường to đẹp nhất miền Bắc hiện nay, giờ mới bắt đầu được trồng cây xanh.

Tôi nghĩ, với con đường đặc biệt như vậy cũng phải trồng những loại cây đặc biệt, xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa của nó. Gã bạn tôi ao ước, nếu hai bên đường là hàng sao đen cao vút thì đương nhiên, người đi trên con đường ấy để ra khỏi nội thành hay hướng về thành phố sẽ có tâm trạng đặc biệt, sẽ thấy con đường không chỉ để đi lại mà còn là nơi lưu giữ rất nhiều ký ức, nơi gieo mầm cho những khát vọng vươn cao vươn xa.

Lê Cẩm Lê