Tăng học phí: Bài toán khó của các trường đại học tự chủ

ANTD.VN - Hiện cả nước mới chỉ có 14 trên tổng số hơn 400 trường ĐH, CĐ triển khai đề án tự chủ. Theo đó, học phí các trường này sẽ tăng theo lộ trình đến khi thu đủ bù chi và cắt giảm hoàn toàn ngân sách. Tuy nhiên, đây không phải là bài toán dễ giải… 

Tăng học phí là lộ trình bắt buộc của những trường đại học tự chủ

Tăng không chỉ để bù đắp chi phí

Nhận định về nguyên nhân sinh viên phản ứng khi được thông báo mức học phí mới, GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, lỗi của trường ở đây là chưa tuyên truyền đủ cho sinh viên, phụ huynh nắm được lộ trình tăng học phí được đi kèm với các chính sách hỗ trợ cũng như mục tiêu của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Xu thế của các trường đại học tự chủ là phải thực hiện lộ trình tăng học phí nhưng với sinh viên trong diện chính sách, hoàn cảnh khó khăn thì phải thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ GD-ĐT là không để các em không theo học được vì học phí. Để làm được việc này, ĐH Kinh tế quốc dân đã liên kết với các doanh nghiệp, cựu sinh viên để lập quỹ học bổng 50 tỷ đồng trong năm 2016 để hỗ trợ sinh viên có nỗ lực phấn đấu.

Ngoài ra, trường này cũng có chương trình hỗ trợ việc làm cho sinh viên khó khăn có nhu cầu tìm việc tăng thu nhập. “Là đại diện một trong 14 trường đại học được thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm từ tháng 3-2015, chúng tôi đã tiến một bước khá dài như chủ động mở ngành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực, chủ động ứng dụng CNTT trong đào tạo, mang lại hiệu quả lớn trong nâng cao trách nhiệm người học, người dạy” - GS Trần Thọ Đạt cho biết.

Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương - PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết, ĐH Ngoại thương cũng là một trong 14 trường đại học tự chủ và phải có lộ trình tăng học phí. Tuy nhiên, nhà trường đã cân nhắc tăng thấp hơn mức cho phép và đưa ra mức điều chỉnh phù hợp là 10% hàng năm. Đi liền với tăng học phí là phải quan tâm chính sách xã hội cùng các biện pháp hỗ trợ người học.

Ông Bùi Anh Tuấn cho biết, việc tăng học phí để bù đắp chi phí của các trường nhưng quan trọng hơn là để nâng cao chất lượng dạy và học. PGS.TS Bùi Anh Tuấn cũng cho rằng, khó khăn với các trường tự chủ là phải cân nhắc giữa khả năng đóng góp của người học với chi phí thực tế của một trường đại học bắt buộc phải tăng cường nhiều hoạt động nghiên cứu, giảng dạy trong khi không được ngân sách hỗ trợ.

Bắt buộc tất cả trường đại học phải tự chủ

Ngày 5-8, tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai năm học mới 2016-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tự chủ trong các trường đại học không chờ trường phải xin nữa mà là yêu cầu bắt buộc với các trường nhưng phải triển khai từng bước theo năng lực các trường.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn cũng nhận định các trường đại học đều cần tự chủ nhưng tự chủ đến đâu phải cân nhắc theo năng lực các trường, từ học thuật, tổ chức nhân sự, tự chủ là tất yếu nhưng phải đi kèm trách nhiệm.

“Đại học Ngoại thương đặc biệt quan tâm tới chất lượng trong quá trình đào tạo, nhất là chất lượng đầu ra. Làm sao sinh viên ra trường phải có việc làm thì mới giữ được uy tín của trường. Đại học Ngoại thương có nhiều hoạt động để thực hiện mục tiêu này, trong đó, trường quan tâm tới vấn đề kiểm định các chương trình tiên tiến, chất lượng cao và cuối năm 2016 sẽ hoàn thành kiểm định chất lượng toàn trường” - PGS Bùi Anh Tuấn chia sẻ. 

Bên cạnh đó, các trường đại học cũng phải tăng cường chất lượng đầu ra theo hướng hội nhập. Để hội nhập cần có chương trình chuẩn đầu ra đáp ứng chuẩn quốc tế. Hiện ĐH Ngoại thương đã tuyển sinh Ngành kế toán, chuyên ngành kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA (Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc).

Theo đó, sinh viên tốt nghiệp ngành này, ngoài bằng của Đại học Ngoại thương sẽ có thêm chứng chỉ hành nghề được nhiều nước công nhận. Còn theo GS Trần Thọ Đạt, vấn đề chất lượng đầu ra của sinh viên đang mắc 2 điểm yếu là Tiếng Anh và kỹ năng mềm.

Do đó, trường này sẽ đưa phần mềm kỹ năng trực tuyến nâng cao kỹ năng Tiếng Anh cho sinh viên, đồng thời thường xuyên điều tra các khoá sinh viên tốt nghiệp để lấy phản hồi về đào tạo của trường. 

GS Trần Thọ Đạt cũng đưa ra kiến nghị với Chính phủ cần có cơ chế về lãi suất, thời hạn vay, tiếp cận nguồn vốn ODA trong việc đầu tư cơ sở vật chất đối với các trường đại học tự chủ. Bộ GD-ĐT cũng cần sớm có văn bản về việc thực hiện tự chủ đối với các trường đại học.

Trong đó, mức độ tự chủ được giao trên cơ sở năng lực tự chủ và kết quả đánh giá năng lực của mỗi trường. “Bộ cần sớm hoàn thành, công bố rộng rãi xếp hạng các trường đại học để xã hội thấy được sự khác biệt tương ứng với học phí” - GS Trần Thọ Đạt đề xuất.