Tai nạn lao động chết người trong lĩnh vực xây dựng xếp đầu bảng

ANTD.VN - Đại diện Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, năm 2017, chiến dịch thanh tra lao động sẽ tập trung vào lĩnh vực điện tử nhưng Bộ sẽ không buông lỏng công tác thanh tra trong lĩnh vực xây dựng.

Tai nạn lao động chết người trong lĩnh vực xây dựng xếp đầu bảng ảnh 1

Năm 2017, chiến dịch thanh tra lao động sẽ tập trung vào lĩnh vực điện tử nhưng không có nghĩa là buông lỏng thanh tra với lĩnh vực xây dựng

Báo cáo mới nhất về tình hình tai nạn lao động vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố cho biết, theo số liệu từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động làm 8.251 người bị nạn và 862 người chết.

Trong đó, tai nạn lao động xảy ra trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ lớn nhất với 23,8% tổng số vụ. Đáng chú ý, đây cũng là lĩnh vực có tỷ lệ về số người chết vì tai nạn lao động ở mức cao nhất so với các lĩnh vực khác (chiếm tới 24,5% tổng số người chết).

Trước đó, nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn lao động gây chết người đang nhức nhối hiện nay trong lĩnh vực xây dựng, chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng 2016 đã được triển khai với việc tập trung vào 12 nội dung hoạt động của 630 doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, hơn 80% công nhân ngành xây dựng là lao động thời vụ và lao động tự do, phần nhiều trong số họ chưa được đào tạo bài bản nên ý thức bảo hộ lao động rất kém, chỉ biết làm lấy ngày công, ít khi quan tâm đến an toàn lao động.

Trong khi các chủ thầu với kỹ thuật, công nghệ hạn chế, công tác giám sát thi công, đảm bảo an toàn lao động không được coi trọng nên đã có nhiều vụ tại nạn lao động thương tâm xảy ra trong thời gian qua.

Những tháng đầu năm 2017, nhiều vụ tai nạn chết người trong lĩnh vực xây dựng cũng đã xảy ra. Đơn cử như ngày đêm 23-3 tại công trường xây dựng của Dự án Sunshine Garden (nằm giáp ranh giữa 2 quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Công ty CP Sao Ánh Dương làm chủ đầu tư đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 2 công nhân tử vong, nguyên nhân vụ việc đang được tiến hành điều tra.

Hay mới hơn là vụ một công nhân tử vong khi đang thực hiện xây dựng tại công trình trên địa bàn quận Cầu Giấy. Thông tin từ CAP Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, nạn nhân tử vong do không được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động và rơi tự do từ tầng 4 của khu nhà…

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Năm 2016, chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực xây dựng đã kéo giảm số vụ tai nạn lao động từ 38% của năm 2015 xuống hơn 20% trong năm 2016. Thậm chí, chúng tôi kỳ vọng năm 2017, sẽ còn kéo giảm tỷ lệ này xuống nữa bởi hiệu ứng truyền thông, khuyến cáo các sai phạm thường gặp trong lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả”.

“Năm 2017, chiến dịch thanh tra lao động sẽ tập trung vào lĩnh vực điện tử nhưng không có nghĩa là chúng tôi buông lỏng thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực xây dựng. Đơn cử là hiện chúng tôi đang triển khai 2 đoàn thanh tra về các công trình trong lĩnh vực xây dựng tại Hà Nội”, ông Nguyễn Tiến Tùng khẳng định.