Sứ mệnh của nhà báo là không để cái xấu chìm trong bóng tối

ANTD.VN - Không có nhiều cơ hội để một nhà báo Việt Nam được trò chuyện với người từng đoạt Giải Pulitzer, giải thưởng danh giá nhất nước Mỹ dành cho báo chí. Trong cuộc trao đổi ngắn ngủi với nhà báo điều tra kỳ cựu người Mỹ Deborah Nelson, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã đúc rút được nhiều điều giá trị trong làm người cũng như làm nghề.

Sứ mệnh của nhà báo là không để cái xấu chìm trong bóng tối ảnh 1Một trong số hơn 300 người “nô lệ” được giải cứu sau loạt bài điều tra của nhóm phóng viên Hãng thông tấn AP

- Nguyên nhân gì đặc biệt đưa bà đến với nghề báo?

Khi vào đại học, tôi theo chuyên ngành hội họa và mong muốn sẽ trở thành một họa sỹ. Song trong thời gian học, tôi đã tham gia viết bài cho tờ báo của trường, và một lần tình cờ tôi gặp giáo sư trưởng khoa Báo chí. Ông ấy bảo: “Em sinh ra là để làm báo chứ không phải để vẽ” bằng giọng điệu đặc biệt mà tôi không thể quên. Tôi đã suy nghĩ một đêm và hôm sau thì chuyển ngành học.

- Vậy còn nguyên nhân gì khiến bà chọn làm một phóng viên điều tra?

Khi mới ra trường tôi viết tin cho tờ Chicago Sun Times. Thị trấn nơi tôi sống khá nhỏ và dường như không bao giờ có chuyện gì xảy ra. Song một lần tôi phát hiện việc hội đồng thị trấn tăng thuế nhưng lại không dùng khoản ngân sách đó vào việc xử lý những núi rác thải độc hại. Tôi bắt tay vào điều tra và công khai chúng trên báo. Kết quả là tôi được Tổng biên tập gọi lên và quyết định thăng chức cho làm… biên tập viên mục Thời trang. Đó là một công việc tốt cho phụ nữ, nhưng tôi đã từ chối và ra đi để có thể tiếp tục làm một phóng viên điều tra.

- Theo bà thì phóng viên điều tra có phải là một công việc thích hợp cho phụ nữ?

Phóng viên điều tra là một nghề nguy hiểm, nhưng thực tế là nữ nhà báo làm công việc này vẫn chiếm 50% tổng số. Bạn biết đấy, năm ngoái, Hãng AP đã gây sốc dư luận với phóng sự điều tra “Hải sản từ những người nô lệ”. Trong suốt 18 tháng, nhóm 5 nữ phóng viên điều tra đã bám sát những con tàu đánh bắt hải sản ở Nam Á, tìm ra sự thật về hàng nghìn người bị đối xử như nô lệ trên những con tàu này để có được nguồn hải sản giá rẻ cung cấp cho thị trường Mỹ. Và họ đã nhận được Giải Pulitzer cho bài phóng sự này. Riêng về mảng phóng sự điều tra, trong lịch sử giải Pulitzer đã ghi nhận 11 nữ nhà báo được vinh danh.

- Cá nhân bà có gặp trở ngại gì trong suốt những năm lăn lộn với mảng điều tra không? 

Khi tôi xuất hiện bên cạnh các đồng nghiệp nam, cũng có sự phân biệt nhất định. Nhiều lúc có những người đàn ông nhìn tôi với ánh mắt như muốn bảo “Cô ở đây làm cái quái gì?”, nhưng tôi không quan tâm tới ánh mắt đó mà chỉ tập trung vào thông tin mình cần.  

Đương nhiên phụ nữ có những khó khăn nhất định khi làm phóng viên điều tra, song may mắn lớn nhất của tôi là đã có được một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Chồng tôi, cũng là một nhà báo, đã giúp tôi rất nhiều trong sự nghiệp của mình. Khi mang thai lần đầu tiên, tôi vẫn cùng anh ấy điều tra về những ngôi nhà cho thuê trái phép và trong khi anh ấy tìm hiểu các thông tin, thì tôi chui đầu qua cửa sổ và… nôn. Sau khi con bé ra đời, Tom và tôi đã thay phiên nhau để trông con, và nhờ vậy, cả hai đều có thể theo đuổi sự nghiệp của mình.

Viết về cái xấu để thế giới tốt đẹp hơn

- Xin được chuyển sang cuốn sách “Phía sau cuộc chiến”. Bà theo đuổi loạt bài phóng sự điều tra về tội ác chiến tranh ở Việt Nam là vì tình cảm đặc biệt nào, hay chỉ là mong muốn được công khai sự thật? 

Những tranh cãi về cuộc chiến ở Việt Nam nổ ra khi tôi còn học đại học. Đó là thời gian cả một thế hệ bị cuốn vào chiến tranh và chia rẽ sâu sắc: những người ủng hộ chiến tranh tức giận với những người phản đối. Khi ấy tôi ở trong nhóm phản đối, song tôi không chắc là ký ức đó hay điều gì khác đã thúc đẩy tôi viết cuốn sách. Ban đầu khi Nick Turse đề nghị tham gia điều tra, tôi còn từ chối vì khi đó nước Mỹ đang dính líu vào 2 cuộc chiến tranh (Iraq và Afghanistan - PV), tôi có nhiều việc phải làm với những thứ đang diễn ra hơn là chuyện của 40 năm về trước. Nhưng khi đọc những tài liệu Nick đưa, tôi thấy mình cần phải tìm hiểu và viết ra sự thật. 

Tôi tin rằng việc để người Mỹ biết đến sự thật về chiến tranh ở Việt Nam cũng như các cuộc chiến nói chung hết sức quan trọng. Đó là cái giá phải trả đối với cuộc sống con người cũng như giá trị về mặt đạo đức đối với một quốc gia. Tôi muốn viết để sửa chữa sự bất công khủng khiếp về danh dự mà nhiều cựu binh Mỹ, những người đã cố gắng báo cáo về những hành động tàn bạo để ngăn chặn chúng nhưng không thành và bị coi là những kẻ nói dối. Tôi cũng viết cho những người thường dân vô tội đã chết hoặc mất đi người mình yêu thương, để nhiều người nhớ đến cuộc sống của họ và biết đến những gì họ phải chịu đựng. 

- Bà có hy vọng vào sự đổi thay nào sau khi đăng loạt bài đó của mình? 

Tôi không hy vọng nhiều người sẽ đọc bài viết của mình. Đó là một câu chuyện nhạy cảm. Sau hàng chục năm vẫn có những người tìm cách tấn công ai đó nếu họ lên tiếng chỉ trích về cuộc chiến. Trong suốt thời gian John Kerry tranh cử Tổng thống, nhiều cựu chiến binh đã cố tấn công khi ông ấy lên án tội ác chiến tranh ở Việt Nam. 

Một vài người nói với tôi rằng mọi chuyện đã tốt đẹp hơn, rằng tội ác chiến tranh chỉ còn xảy ra như một vài trường hợp đơn lẻ ở Iraq và Afghanistan. Tôi buộc phải nhắc họ nhớ rằng, phải mất đến 30 năm thì những chuyện ở Mỹ Lai mới được đưa ra ánh sáng.

- Điều gì ám ảnh bà lâu nhất khi bà đến Việt Nam để lấy tư liệu cho loạt bài điều tra của mình?

Năm 2005, tôi đến Quảng Nam. Ban đầu, tôi không thể tìm ra địa điểm, bởi đi đến đâu cũng gặp những tấm bia tưởng niệm những người bị giết hàng loạt trong chiến tranh, song đó không phải là cuộc thảm sát mà chúng tôi tìm kiếm. Tại một ngôi làng, tôi gặp một nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát ngày 8-2-1968. Chị ấy là Hồ Thị Vân. Chị Vân kể, khi quân lính kéo đến, mẹ chị ấy đã đẩy các con xuống hầm, nhưng bọn lính phát hiện ra và bắt họ chui lên. Mẹ chị Vân chỉ kịp bảo con chạy ra lối thoát hiểm. Trước khi ra đến bờ sông, chị ấy còn nhìn thấy cả gia đình mình bị bắt xếp hàng ngang và bắn chết. Đến đêm, chị ấy quay lại nhà. Vân không khóc khi trông thấy thi thể người thân, nhưng khi vào bếp, chị ấy đã òa khóc khi nhìn thấy bữa ăn mà người mẹ đang làm dở dang cho cả nhà. 

Lúc nghe câu chuyện ấy, tôi tự hỏi không biết còn bao nhiêu nỗi đau như vậy trên đất nước này. Tôi nhớ đến lời một người đàn ông cũng sống sót sau cuộc chiến tranh: “Hãy làm cho người Mỹ nhớ những gì đã xảy ra”. Và điều đó càng thôi thúc tôi phải viết. Lần đầu tiên tôi ý thức được những việc làm sai trái gây tổn thương cho con người như thế nào và hiểu rằng mình có thể dùng những bài viết để bóc trần chúng và đưa đến một sự thay đổi nào đó làm thế giới tốt đẹp hơn. 

- Liệu những bài học về cuộc chiến ở Việt Nam có còn giá trị với nước Mỹ hiện giờ?

Thời điểm tôi viết cuốn sách của mình cũng là khi một số cựu quan chức trong quân đội lần đầu tiên nhắc đến bài học chiến tranh ở Việt Nam, bởi họ lo ngại chính phủ Mỹ sẽ lặp lại sai lầm tương tự ở Iraq. Những kinh nghiệm ở Việt Nam đã dẫn đến sự thay đổi trong các quy tắc của quân đội Mỹ để bảo vệ thường dân tốt hơn. Nhưng thông điệp quan trọng nhất vẫn là Mỹ không nên tham chiến trừ khi cực kỳ cần thiết, vì nó không chỉ gây hại cho những người dân vô tội mà còn ảnh hưởng đến giá trị đạo đức của quốc gia. Đó là một bài học đắt giá vẫn chưa được tiếp thu trọn vẹn, nên chúng tôi vẫn phải tiếp tục nhắc nhở mọi người về cái giá của chiến tranh. 

Viết về tiêu cực để đổi thay tích cực

- Bà tin rằng những bài phóng sự điều tra của mình sẽ thay đổi cuộc sống xung quanh theo chiều hướng tích cực chứ?

Có một câu châm ngôn cũ là công việc của các phóng viên điều tra phá vỡ sự yên bình và làm bình yên lại những gì bị phá vỡ. “Sự yên bình” ở đây thuộc về những người có quyền lực và giàu có, chúng tôi phá vỡ “sự yên bình” của họ bằng cách công khai việc họ lạm dụng quyền lực để làm tổn thương xã hội. Đối với những gì “bị phá vỡ”, chúng tôi làm bình yên cho họ bằng cách đưa tiếng nói và hoàn cảnh khốn cùng của họ ra công chúng - điều có thể dẫn tới sự thay đổi tích cực mà họ không thể có được nếu không có những bài báo điều tra.  

- Nhưng cứ nói mãi về những cái xấu thì đôi khi sẽ khiến con người càng thêm mất niềm tin vào cuộc sống?

Càng chỉ rõ được nguyên nhân làm phát sinh vấn đề bao nhiêu, thì càng giúp mọi người thấy được hướng giải quyết vấn đề rõ bấy nhiêu. Nhà báo không chỉ là người đưa vấn đề ra ánh sáng mà còn chỉ ra hướng để giải quyết chúng. Công việc của nhà báo không phải là hành động mà là cung cấp đủ thông tin cần thiết để mọi người hành động.

Trong khi các phóng viên điều tra khao khát được thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn, thì nghĩa vụ trên hết của chúng tôi vẫn là đưa những thông tin chính xác về những vấn đề quan trọng, như tham nhũng hay sự bất công. Ngay cả khi nhà chức trách không làm gì để giải quyết chúng, thì nhà báo vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ của mình là đưa sự thật ra ánh sáng.

Sứ mệnh của nhà báo là không để cái xấu chìm trong bóng tối ảnh 2

Deborah Nelson hiện là Giáo sư tại trường Báo chí Philip Merrill thuộc Đại học Tổng hợp Maryland, bang Maryland, Hoa Kỳ. Từng làm biên tập viên Phóng sự điều tra cho tờ Los Angeles Times cũng như phóng viên chuyên mảng điều tra của Washington Post, Deborah Nelson đoạt nhiều giải thưởng quốc gia về báo chí, trong đó có Giải Pulitzer danh giá năm 1997.