"Sốt" luyện và thi thử trắc nghiệm

(ANTĐ) - Các trường học trong cả nước đã bước sang tháng cao điểm của mùa thi cử. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có những nét mới, đó là tổ chức thi trắc nghiệm và thi làm 2 đợt. Tâm lý chung của đội ngũ, của các bậc phụ huynh và học sinh đã quá quen với nếp thi cử cũ nên chỉ mới nghe Bộ GD&ĐT công bố năm nay có 3/ 6 môn thi bằng hình thức trắc nghiệm là đã đặt thành điều đáng lo ngại. Và thế là các lò luyện thi nhạy bén lại được dịp nhảy ra làm ăn.

"Sốt" luyện và thi thử trắc nghiệm

(ANTĐ) - Các trường học trong cả nước đã bước sang tháng cao điểm của mùa thi cử. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có những nét mới, đó là tổ chức thi trắc nghiệm và thi làm 2 đợt. Tâm lý chung của đội ngũ, của các bậc phụ huynh và học sinh đã quá quen với nếp thi cử cũ nên chỉ mới nghe Bộ GD&ĐT công bố năm nay có 3/ 6 môn thi bằng hình thức trắc nghiệm là đã đặt thành điều đáng lo ngại. Và thế là các lò luyện thi nhạy bén lại được dịp nhảy ra làm ăn.

Trung tâm luyện thi số 1 Tạ Quang Bửu
Trung tâm luyện thi số 1 Tạ Quang Bửu

Đủ kiểu, đủ chiêu luyện thi trắc nghiệm

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT thông báo thi trắc nghiệm, một vài thầy có tiếng chuyên luyện thi ở các lò đã tuyên bố: “Thi trắc nghiệm thì  luyện trắc nghiệm, càng hay!”. Mới biết, có cung thì có cầu, trong nghề luyện thi quy luật ấy càng mạnh.

“Luyện trắc nghiệm” đã mau chóng trở thành thế mạnh để thu hút học sinh. Các thí sinh mà chúng tôi gặp tại các lò như: ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, khu vực phường Quan Hoa- Cầu Giấy... đều cho biết: Khi đăng ký chúng em đều hỏi có “luyện trắc nghiệm” không và đều được trả lời là có.

Để thu hút các sĩ tử, nhiều lò luyện đưa ra các “chiêu” hấp dẫn như miễn học phí buổi khai giảng, trông xe miễn phí cho học viên. Thậm chí, nhiều trung tâm còn hứa thường xuyên cung cấp cho học sinh các đĩa mềm, tập câu hỏi trắc nghiệm Lý, Hóa, Sinh, Anh văn.

Lò luyện đặt tại Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề quận Cầu Giấy (Hà Nội) quảng cáo bằng cách in đậm tên của 6 học viên tại trung tâm đỗ “thủ khoa đại học 2006”. Tuy nhiên, khi tra cứu danh sách thí sinh trúng tuyển năm 2006 trên mạng Bộ GD&ĐT, phần lớn số học viên này có đỗ nhưng chỉ đứng thứ  60-70 theo số điểm thi vào trường.

Tổ chức thi thử là “chiêu” quen thuộc nhưng cũng vẫn rất hiệu quả của các lò luyện. Nhiều trung tâm tổ chức thi thử 3-4 lần thậm chí nhiều hơn. Thí sinh chỉ cần nộp trên dưới 10.000/môn/lần thi thử.

Mới đây, Trung tâm luyện thi Tô Hoàng (Hà Nội) tổ chức thi thử ĐH khối A, B, D. Cả tuần trước đó, hàng nghìn học sinh ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đã đến đăng ký thi. Lệ phí cho mỗi môn là 12.000 đồng. Ngày mưa rét, 2.000 sĩ tử và phụ huynh vẫn ùn ùn kéo đến trường tiểu học Tô Hoàng, Hà Nội, thi thử môn Hóa và tiếng Anh. Tại đây có gần 50 phòng, mỗi phòng rộng chừng 20 m2 và được "nhồi" tới 46 thí sinh. Mỗi chiếc bàn dài chừng 1 m, vốn dành cho các em tiểu học nay phải "gánh" 2-3 thí sinh lớn. Sau giờ làm bài 15 phút vẫn có thí sinh bước vào phòng. Thậm chí, khi thời gian thi được chừng nửa giờ, trung tâm vẫn “tranh thủ” ghi danh cho những thí sinh chưa kịp đăng ký vào thi.

Sau cuộc thi, nhiều học sinh phản ánh đề sai... Sau giờ thi, đáp án được bán ngay trong sân trường với giá 1.000 đồng một tờ. Cầm tờ đáp án, nhiều thí sinh đã râm ran bàn tán về một số sai sót trong đề thi tiếng Anh và Hóa học.

Cũng thời điểm này, Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Thăng Long Bách khoa (Hà Nội) đã thuê toàn bộ trường học ở quận Hoàng Mai để tổ chức thi thử ĐH các khối A , B, D. Giá ở đây nhỉnh hơn các nơi khác: 15.000 đồng một môn. Tuy nhiên, trật tự an ninh thì cũng vẫn như cái chợ. Người ra, kẻ vào. Quá giờ thi 15-20 phút vẫn còn người đăng ký vào. Đề thi, theo nhiều thí sinh tham dự thi thử cho biết thì “quá dễ”.

Đến thời điểm này, một số trung tâm luyện thi ở khu vực Cầu Giấy cũng đang thông báo thi thử đợt mới. Chỉ 7000đ/môn thi (giảm so với đầu mùa), nên xem ra số thí sinh đăng ký còn đông hơn. Vấn đề là quảng cáo thi thử “trắc nghiệm”.

Luyện kiểu gì?

Vấn đề là luyện nhưng chưa biết kết quả đến đâu. Quảng cáo rầm rộ nhưng giảng dạy tại các trung tâm vẫn không khác mọi năm. Trong buổi luyện Hóa ở một trung tâm trên phố Chùa Bộc, lớp học ồn ào như chợ vỡ. Trên bục giảng, thày giáo vừa “hét” vừa chỉ trên màn hình máy chiếu. Lớp đông, nhìn từ phía cuối giảng đường, màn hình máy chiếu trở nên trắng xóa, không nhìn rõ chữ.

Khung cảnh phòng luyện ở tất cả các trung tâm chúng tôi đến vẫn vậy: thí sinh vẫn chen nhau 6-7 người/bàn, thầy cô chỉ có thời gian để đọc qua micro hoặc giải bài tập trên bảng cho người học chép.

Không khí học tạp thì vậy. Còn phần gọi là “trắc nghiệm” – trung tâm chú ý của năm nay - nhiều thầy phán: “Các em về tham khảo “tài liệu hướng dẫn trắc nghiệm của Bộ GD&ĐT” để nắm phần “kỹ năng” còn kiến thức thì không có gì khác năm trước (!). Thật ra đây là những trung tâm và ông thầy đối phó, ăn gian làm dối. Có thầy thì tung ra lời khuyên rất phản giáo dục, mang nặng tính chất đối phó: Chẳng hạn, khi đã gần hết giờ mà có những câu còn bỏ trống thì các em vẫn có thể tô vào bất cứ một ô nào đó để trả lời, vì rằng, nếu có sai thì các em vẫn không bị trừ điểm, còn nếu thiếu thì tất sẽ không có điểm (?!).

Công bằng mà nói, cũng vẫn có những “lò” dành phần thời gian luyện “trắc nghiệm”. Thầy ra bài thi, trò tập làm vào phiếu trả lời. Đây là phương pháp tốt, nhưng vì đây là hình thức mới, các thầy đâu có nhiều đề thi. Và thế là chỉ luyện được vài buổi là lại dở bài “tài liệu của Bộ” ra.

Vấn đề hiện nay là đề thi trắc nghiệm không nhiều, ngay cả với những môn khoa học tự nhiên. Theo thày T.H, dạy ở trung tâm luyện thi đối diện cổng trường Đại học Y Hà Nội, dù năm nay thi theo hình thức trắc nghiệm thì cách dạy của các thầy cũng không khác gì các năm trước. Nghĩa là vẫn chủ yếu giúp học sinh nắm vững lý thuyết và làm nhuần nhuyễn các dạng bài theo kiểu tự luận.

Qua đi thực tế ở một số nơi, chúng tôi thấy vẫn tồn tại “sức ỳ” trong một bộ phận GV như soạn câu hỏi trắc nghiệm một cách dễ dãi, soạn tới đâu cho HS làm tới đó. Một cô giáo nhiều kinh nghiệm dạy môn Vật lý trường P.Đ.P cho biết: "Đến nay vẫn chưa có tài liệu chuẩn về đề thi trắc nghiệm để đối chiếu, trên mạng của Bộ thì vẫn là ngân hàng đề kiểu cũ. Tôi phải tự nghiên cứu, ra đề cho các em”.

Tuy nhiên những giáo viên đủ năng lực soạn một đề thi trắc nghiệm chuẩn, phù hợp với thí sinh chứ chưa nói là hay, rất ít. Người viết bài này biết hiện đang có tình trạng các thấy nháo nhác mượn, cóp, thậm chí... trộm đề thi của nhau...

Không khí chung về các lò luyện thi hiện nay là thế. Nhưng như một giáo sư có tinh thần hài hước: Dù sao méo mó có hơn không, trong lúc trong trường còn lúng túng thì “thị trường” cũng đã nhảy ra, nhưng chỉ đủ “trấn an” thí sinh. Còn việc luyện thi thử thì người trong nghề chỉ cười thầm, vì ngân hàng đề thi nghèo nàn như thế thì thi thử trắc nghiệm làm sao? Thật ra, kết quả cuối cùng thì thí sinh đi vào “lò” cũng chẳng biết gì hơn và nguy hiểm hơn, khi đi thi họ không khỏi bị hẫng. Một góc độ khác, tình trạng tổ chức thi thử nhiều lần trong những tháng cuối cùng này xảy ra ở một số trường tại các địa phương không những chỉ gây lãng phí thời gian, lãng phí công sức, tiền bạc mà còn làm cho HS thêm hoang mang hoặc đối phó.

Thật ra, dạng câu hỏi trắc nghiệm không phải là quá mới mẻ vì từ kinh nghiệm của GD các nước tiên tiến, ở nước ta cũng đã được đặt ra từ lúc bắt đầu đổi mới chương trình GD phổ thông, và năm 2006 đã thực hiện thi trắc nghiệm khách quan đối với môn ngoại ngữ, được đa số các trường công nhận đó là hình thức đảm bảo đánh giá được thực chất kết quả. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình THPT, nhất là chương trình lớp 12 và nắm các thao tác cần thiết khi điền vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Trắc nghiệm khách quan là hình thức thi mới, nhưng mục đích cũng giống như thi tự luận, nhằm kiểm tra kiến thức của thí sinh. Đề thi không nằm ngoài chương trình THPT, không đánh đố thí sinh.

Theo lời khuyên của những thầy giáo có kinh nghiệm, nếu tại các trường THPT, thầy cô giáo đã hướng dẫn kỹ về cách làm bài thi trắc nghiệm thì không cần đến các lò luyện. Hiện Bộ GD&ĐT đã phối hợp với đài truyền hình VN hướng dẫn về thi trắc nghiệm. Ngoài ra các bạn thí sinh có thể tham khảo thông tin trên trang web về tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra cũng đã có một số trang web có những đề trắc nghiệm (tìm rất dễ, chỉ cần vào Google.com đánh từ khóa “thi trắc nghiệm” là được).

Thi Lê