Sống chung với biến đổi khí hậu

ANTĐ - Việt Nam được Hội nghị Quốc tế về biến đổi khí hậu đưa vào danh sách các quốc gia hàng đầu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hậu quả thiên tai như nước biển dâng cao, hạn hán, ngập mặn. Không chỉ là dự báo, cảnh báo, hậu quả đã và đang diễn ra ngay trước mắt. 

Đợt El Nino kéo dài khốc liệt nhất trong 60 năm qua đã tác động nặng nề lên sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Sông Cửu Long, 8 tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Vậy ngành nông nghiệp có giải pháp căn cơ như thế nào để cùng người dân ứng phó với hạn và mặn chưa từng có trong lịch sử?

 Nhằm giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó thiên tai, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị với tinh thần chỉ đạo giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ nhằm “né” hạn, mặn; đồng thời khuyến cáo bà con nông dân không sản xuất vụ xuân hè. Ngay sau hội nghị này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị về công tác chống hạn với 8 tỉnh bị khô hạn gay gắt ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp chống hạn, giảm thiệt hại cho người dân như chuyển đổi diện tích trồng lúa sang các cây chịu hạn, áp dụng các biện pháp tưới tiêu nước tiết kiệm. Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để giúp người dân vượt qua khó khăn này. Những nơi nào để người dân đói, khát do nắng hạn, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải tính đến khả năng “sống chung” lâu dài với hạn. Bởi chúng ta không chỉ chống hạn 1-2 năm mà tương lai phải đối mặt thường xuyên hơn, khốc liệt hơn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo kiểm tra nguồn nước ở các hồ thủy lợi, thủy điện, dự báo lượng nước, từ đó xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng thiếu nước, về lâu dài cần nghiên cứu lại cây trồng, vật nuôi ở miền Trung.

Nhiều nhà nghiên cứu khí hậu khẳng định, dù hạn hán đã cướp đi hàng vạn     héc-ta lúa, màu ở miền Trung, mặn đã “tấn công” vào đồng ruộng Nam bộ hơn 70km, song tai họa khốc liệt còn ở phía trước. Dự báo, vụ đông xuân này, khoảng 21,9% tổng diện tích lúa bị nhiễm mặn, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Mới đầu mùa khô mà hàng trăm nghìn hộ dân ven biển đã thiếu nước ngọt trầm trọng.

Biến đối khí hậu, hạn và mặn là hai vấn đề rất hệ trọng đặt ra cho sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của hàng triệu nông dân “một nắng hai sương” làm ra hạt gạo để xuất khẩu, mang về cho đất nước hàng chục tỷ USD. Song, thiên tai cũng làm lộ ra những hạn chế trong đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, ngành nông nghiệp cần tới 4 tỷ USD “rót” vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhưng khả năng cân đối trước mắt từ các nguồn chỉ có 400-500 triệu USD.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, chỉ riêng năm 2015, đầu tư cho phát triển nông nghiệp chiếm chưa tới 13% tổng chi. Các nhà khoa học kiến nghị, cần nâng cao hơn nữa tỷ lệ đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nhất là trong tình hình hạn, mặn ngày càng trở nên căng thẳng, gay gắt, Để người dân có thể yên tâm “sống chung” với biến đổi khí hậu, vốn đầu tư là cực kỳ cấp bách, nhưng điều sống còn là phải thay đổi tư duy đầu tư, bởi lâu nay nông nghiệp hầu như bị “bỏ quên”.