Sẽ kỷ luật cá nhân liên quan vụ xông vào lấy hàng tiêu hủy ở Bộ KH-CN

ANTD.VN - Liên quan tới vụ nhiều người xông vào lấy hàng tiêu hủy ở Bộ KH-CN, ông Bùi Thế Duy, Chánh văn phòng Bộ KH-CN cho biết: "Bộ KH-CN sẽ công bố công khai hình thức xử lý đối với các cán bộ có liên quan đến sự việc đáng tiếc này".

Chiều 24-10, ông Bùi Thế Duy, Chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) xác nhận với phóng viên ANTĐ có tình trạng một số cán bộ, người lao động có liên quan đến việc tiêu hủy tự ý lấy hàng hóa vi phạm mang ra khỏi khu vực tiêu hủy.

Cụ thể, vào ngày 21-10, Thanh tra Bộ KH-CN phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), CATP Hà Nội tổ chức tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ. Tuy nhiên, một clip vừa được tung lên mạng cho thấy tại buổi tiêu hủy có rất đông người chen nhau nhặt lấy nhiều tang vật chờ để tiêu hủy.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ trưởng Bộ KH-CN đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan báo cáo chi tiết về quy trình và cách thức tiến hành việc tiêu hủy hàng hóa. Đồng thời, xác định các tổ chức và cá nhân có liên quan đến sự việc.

Theo ông Bùi Thế Duy, chiều 24-10, Bộ KH-CN đã họp các bên liên quan để đưa ra hình thức xử lý. Chánh thanh tra Bộ, các thành viên hội đồng viết báo cáo giải trình, làm rõ trách nhiệm cá nhân, các sai sót, khuyết điểm trong việc chỉ đạo, thực thi trách nhiệm trong đợt tiêu hủy; các cá nhân có hành vi lấy hàng tiêu hủy tường trình về sự việc xảy ra, hoàn thành trước 17h ngày 25-10.

"Bộ KH-CN sẽ công bố công khai hình thức xử lý đối với các cán bộ có liên quan đến sự việc đáng tiếc này"- ông Bùi Thế Duy khẳng định.

Được biết, trong buổi tiêu hủy, 2.349 sản phẩm giả mạo buộc phải tiêu hủy, trong đó có 726 túi xách, 1.057 ví da, 39 dây thắt lưng, sáu đồng hồ đeo tay… thuộc những nhãn hiệu nổi tiếng của Pháp như Dior của Christian Dior Couture, Hermès của Hermes International và Louis Vuitton của Louis Vuitton Malletier.

Nhiều hàng giả đã được lấy lại ngay trong buổi tổ chức tiêu hủy

Đây đều là những nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính nêu trên được Thanh tra Bộ KH-CN và Công an Hà Nội tịch thu trong năm 2015 và xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Theo số liệu thống kê 9 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ KH-CN triển khai 48 cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc, phát hiện các cơ sở vi phạm chủ yếu là về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.

Tổng số tiền phạt trên 1,4 tỉ đồng, buộc tiêu hủy và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 205.444 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, giaả mạo nhãn hiệu chủ yếu là dược phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, sắt thép, thuốc thú ý, các sản phẩm thời trang…