Sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế xuống công an xã

ANTD.VN -Sáng 7-6, Quốc hội đã nghe Thượng tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được ban hành nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Công an nhân dân (CAND); khắc phục những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng quản lý; Hoàn thiện cơ sở pháp lý để sắp xếp lại tổ chức bộ máy công an phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sắp xếp, bố trí lực lượng và từng bước thực hiện tinh giản biên chế.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật CAND năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều.

Theo tờ trình, Dự thảo sửa đổi quy định về thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND từ 3 năm xuống còn 2 năm, đồng thời quy định việc kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ trong một số trường hợp để phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự và thực tiễn trong CAND.

Về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của CAND,  điều 17 được bổ sung 1 khoản quy định về nhiệm vụ quản lý về an ninh mạng (khoản 6) cho phù hợp với dự án Luật an ninh mạng đang trình Quốc hội; sửa đổi nội dung một số khoản, cụ thể: quy định về quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường…

Thượng tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Về tổ chức của CAND, Dự thảo có 3 điều (từ Điều 18 đến Điều 20) quy định về hệ thống tổ chức của CAND; thẩm quyền quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trong CAND; chỉ huy trong CAND. Dự thảo không quy định về Cảnh sát PCCC.

Quán triệt chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị, dự thảo Luật không quy định Công an xã là lực lượng bán chuyên trách. Tổ chức bộ máy sẽ được bố trí phù hợp với đặc điểm tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn xã, thị trấn.

Hiện nay, số đơn vị Công an xã, thị trấn đã được bố trí Công an chính quy là 1.065; số đơn vị Công an xã, thị trấn chưa được bố trí Công an chính quy còn 8.516. Như vậy, để xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy thì Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 Công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh Công an xã. Chính phủ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm Trưởng Công an xã, thị trấn.

Cũng theo Tờ trình, một trong những điểm mới đáng chú ý là Dự thảo sửa đổi quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND theo hướng không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an.

 Dự thảo sửa đổi quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng cục  đặc biệt; nâng lương cấp bậc hàm Đại tướng, Thượng tướng; bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an về nâng lương cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; Bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan (45 tuổi), nữ sĩ quan cấp Tướng trong Công an nhân dân (60 tuổi).

Về khen thưởng và xử lý vi phạm Dự thảo bổ sung 1 khoản quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND.