Sau câu chuyện đau lòng

ANTD.VN - Sau khi vô tình làm bé trai 9 tuổi thiệt mạng, người điều khiển xe xích lô cũng đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Gia đình cậu bé đau nỗi đau mất con; còn gia đình người kéo xích lô đang thực sự hoang mang bởi trụ cột chính của gia đình, người chồng, người cha của họ, sẽ bị pháp luật xét xử. Vì đâu nên nỗi này?

Đằng sau câu chuyện đau lòng đang gây xôn xao dư luận những ngày này, đã bộc lộ thực tế, có những điều khoản, quy định pháp luật dù rất rõ ràng, nhưng dường như đang bị… nhờn.

Trước, trong và ngay sau khi xảy ra vụ việc thương tâm ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai chiều 23-9, tại nhiều tuyến đường, phố ở Hà Nội, người dân tham gia giao thông đều ngao ngán lắc đầu, hoặc sợ hãi, hoặc bức xúc, khi chứng kiến hình ảnh những chiếc xe tự chế, xích lô, xe đạp, và cả ô tô chở sắt thép, tôn cùng nhiều loại hàng hóa cồng kềnh, ngang nhiên hoạt động ở mọi thời điểm mà rất ít bị xử lý, nhắc nhở.

Quy định điều chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm này đã có trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008; trong Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT, trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; và mạnh nhất là Bộ luật Hình sự, với Điều 202 quy định về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. 

Trong sự việc ở phường Tân Mai, liệu chỉ có thể trách người đàn ông kéo xe xích lô đã không hiểu luật? Có lẽ khó, khi mà phần lớn quỹ thời gian của ông ta là gò lưng kéo xe để nuôi gia đình, để đảm bảo đủ ăn cho cuộc sống tạm ở Thủ đô.

Sẽ không công bằng nếu bỏ sót trách nhiệm những cá nhân, cơ sở kinh doanh sắt, thép, tôn - vốn được xem là có đủ điều kiện để “hiểu” luật hơn - nhưng vẫn thuê những chiếc xích lô, xe kéo tự chế để vận chuyển hàng hóa nguy hiểm nhằm giảm bớt chi phí.

Sáng 25-9, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý các phương tiện chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đây là động thái từng được thực hiện nhiều lần, riêng từ đầu năm 2016 trở lại đây; và được xem là phản ứng tích cực sau sự việc đau lòng ở phường Tân Mai.

Nhưng những câu hỏi cần đặt ra là: công việc tiếp theo của Cảnh sát giao thông sẽ là gì sau buổi ra quân này? Chỉ riêng Cảnh sát giao thông liệu có đủ khép kín, kịp thời và thường xuyên phát hiện để xử lý vi phạm?

Và nữa, chính quyền cấp cơ sở, nơi tập trung đông các dịch vụ cung cấp sắt thép, nguyên vật liệu xây dựng… phải chăng vẫn đứng ngoài cuộc trước những vi phạm diễn ra hàng ngày, hàng giờ?