Sáng nay, bão số 4 đổ bộ Quảng Ngãi, Đà Nẵng

ANTD.VN - Đêm 12-9, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 4 hoạt động tại Biển Đông trong năm 2016. Sáng 13-9, bão số 4 đổ bộ vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng.

Tàu cá về cảng Quy Nhơn, Bình Định neo đậu tránh bão

Miền Trung có mưa lớn

Từ chiều 12-9, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông bắc, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa với lượng mưa phổ biến 50-100mm, một số nơi có mưa rất to như An Chỉ (Quảng Ngãi) 200mm; Sông Vệ (Quảng Ngãi) 190mm; Bồng Sơn (Bình Định) 230mm… Tại đảo Lý Sơn đã có gió giật mạnh cấp 7. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa giông, lốc kèm gió giật mạnh.

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng nay 13-9, bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Đà Nẵng với cấp 7, giật cấp 9-11, sau đó suy yếu dần trên khu vực Nam Lào. Trong khi đó, một siêu bão có tên quốc tế Merati mạnh cấp 16 ở phía Đông Philippines (Thái Bình Dương) đang hướng vào Biển Đông.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên, từ ngày 12 đến 14-9 có mưa vừa, mưa to đến rất to (phổ biến 100-200mm). Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa, khu vực Nam bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (50-100mm) kèm gió giật mạnh.

Do mưa lớn nên mực nước trên các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định và khu vực Tây Nguyên đang lên, riêng các sông ở Quảng Ngãi đang lên nhanh. Dự báo, trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động II - báo động III, có nơi trên báo động III; nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, ven sông các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai chiều 12-9, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, trong ngày 12-9, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đã cấm biển.

Trong khi đó, khoảng 12h30 ngày 12-9, hai tàu của ngư dân Quảng Ngãi đang trên đường về Cửa Đại tránh trú đã bị sóng đánh chìm, 6 lao động trên 2 tàu đều an toàn. Hai tàu bị chìm là tàu QNg TS 44627 của ông Nguyễn Ka và tàu QNg TS 92936 của ông Phạm Văn Hùng đều ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi. 

Không được phép chủ quan 

Từ 14h ngày 12-9, tỉnh Quảng Ngãi đã cấm tàu thuyền xuất bến, kể cả tuyến vận tải khách Sa Kỳ - Lý Sơn. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục kêu gọi 343 tàu thuyền với 2.293 lao động đang hoạt động trên biển Quảng Ngãi khẩn trương vào bờ tránh trú bão.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã có điện chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, số phương tiện hoạt động trên các vùng biển; kiểm tra kỹ công tác ứng phó để chủ động khi bão vào đất liền.  

Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở núi, sạt lở bờ sông, những nơi ngập úng, vùng hạ du các hồ chứa nước… để chủ động phương án di dời, sơ tán dân khi cần thiết; yêu cầu các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực, xử lý các sự cố do thiên tai gây ra và triển khai các biện pháp cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu…  

Các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ trực tại khu vực cầu cảng để hướng dẫn tàu thuyền vào neo đậu đúng vị trí, giữ khoảng cách an toàn để tránh va đập.   

Tại cuộc họp chiều 12-9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương, bộ, ngành cần chuẩn bị phương án sẵn sàng, người, phương tiện để hỗ trợ, ứng cứu khi bão đổ bộ. “Dù là áp thấp nhiệt đới hay bão nhỏ cũng không được chủ quan, mất cảnh giác” - ông Nguyễn Xuân Cường nói.