Rút sao một loạt khách sạn xuống cấp

ANTD.VN - Ngành du lịch có những động thái vào cuộc được đánh giá là khá mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh dịch vụ lưu trú trên toàn quốc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, việc rút sao khách sạn bị hư hỏng, xuống cấp thì dễ, nhưng với những cơ sơ lưu trú có cung cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp, thậm chí hành xử thiếu văn minh với khách hàng thì sẽ xử lý như thế nào? 

Khách sạn Quang Trung (Hải Tiến, Thanh Hóa) tự ý trưng biển 3 sao và bị tố “ngược đãi” du khách

Phục vụ còn thiếu văn minh, chuyên nghiệp

Bắt đầu từ tháng 6, Tổng cục Du lịch phối hợp cùng Thanh tra Bộ VH-TT&DL cùng các Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố thực hiện chiến dịch tổng kiểm tra chất lượng các cơ sở lưu trú trên cả nước. Từ cuộc rà soát này, rất nhiều khách sạn tại các trung tâm du lịch hàng đầu cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang)… đã bộc lộ nhiều vấn đề.

Trong đó, một số khách sạn đã đi vào hoạt động từ lâu, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng xuống cấp nhưng không được sửa chữa… do không muốn gián đoạn hoạt động kinh doanh. Điều đáng nói, trong số những khách sạn bị thu hồi sao có những cơ sở có tiếng tăm như khách sạn Kim Liên (Hà Nội), khách sạn Blue Lagoon (Phú Quốc)… hay một loạt khách sạn 4 sao ở Hạ Long. 

Việc ngành Du lịch có những biện pháp vào cuộc mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh hoạt động của các khách sạn cho thấy tín hiệu tích cực trong việc từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú - một trong những yếu tố quan trọng  tác động vào sự hài lòng của du khách.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, việc rút sao khách sạn bị hư hỏng, xuống cấp thì dễ, nhưng với những cơ sơ lưu trú có cung cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp, thậm chí hành xử thiếu văn minh với khách hàng thì sẽ xử lý như thế nào là câu chuyện khác. 

Điển hình, tháng 6 vừa qua, khách sạn Quang Trung (3 sao) ở khu du lịch Hải Tiến, Thanh Hóa đã bị tố là đuổi khách ra ngoài giữa trưa sau khi mâu thuẫn về thỏa thuận dịch vụ ăn uống. Sau đó, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa tiến hành kiểm tra và xử phạt khách sạn này 36 triệu đồng.

Số tiền phạt trên được quy là khách sạn trên tự ý treo biển 3 sao và không niêm yết giá cả dịch vụ hàng hóa. Tuy nhiên, việc ứng xử không hay của khách sạn này đối với nhóm du khách lại không được đề cập trong mục xử phạt, bởi một lý do chẳng lấy làm lạ - không đủ chứng cứ để xác minh. 

Đo chất lượng dịch vụ bằng gì?

Nhận định về việc chất lượng cơ sở lưu trú có tác động như thế nào đến hình ảnh du lịch, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Con người chính là yếu tố quan trọng nhất trong một cơ sở lưu trú. Bởi, nếu có con người tốt thì mới tạo ra được dịch vụ tốt. Khi vào một cơ sở lưu trú, ngoài việc để ý lễ tân như thế nào, buồng phòng ra sao, điều tôi quan tâm nhất đó là sự sạch sẽ. Sự sạch sẽ không chỉ là rác, bụi, không khí… như chúng ta thường nghĩ mà “sạch” cả về môi trường do chính con người tạo ra như lời ăn, tiếng nói, ánh mắt, cử chỉ, hành động…”. 

Hiện nay, việc đánh giá các cơ sở lưu trú của Việt Nam đang dựa theo các bộ tiêu chuẩn quốc gia về du lịch, trong đó có bộ TCVN 4391:2015 là bộ mới nhất (được chỉnh sửa vào năm 2015) áp dụng cho các khách sạn. Bộ tiêu chuẩn này đưa ra các thước đo cụ thể như vị trí kiến trúc, số lượng buồng, phòng, trang thiết bị tiện nghi…

Tuy nhiên, các quy định về yếu tố con người còn khá chung chung, chẳng hạn như: phục vụ đúng quy trình kỹ thuật nghiệp vụ, thái độ thân thiện, tay nghề kỹ thuật cao, nhanh nhẹn, nhiệt tình, chu đáo… Nếu “soi” vào các tiêu chí này thì cũng rất khó để đánh giá xem cơ sở nào đạt chuẩn hay không đạt chuẩn, có tương xứng hay không tương xứng với hạng sao mà cơ sở đó được cấp. 

Nói như đại diện một công ty du lịch lớn ở Hà Nội, thì chất lượng nhân sự của từng bộ phận như lễ tân, buồng, bàn, bar… là những kỹ năng mềm nên rất khó đánh giá, kiểm soát.

Nên chăng bên cạnh chiến dịch rà soát, chấn chỉnh dịch vụ lưu trú mà ngành Du lịch đang ráo riết thực hiện, thì cũng nên thường xuyên tổ chức kiểm tra, tổ chức các lớp nâng cao trình độ, kỹ năng và thái độ phục vụ, để đảm bảo đội ngũ lao động trong các cơ sở đó cũng “chuẩn” với hạng sao được công nhận, tránh việc rầm rộ giương biển, trưng sao nhưng không xứng đáng.