Quỹ đất sắp cạn

(ANTĐ) - Ngày 15-4, Hà Nội có buổi giao ban chuyên đề về giáo dục giữa UBND TP với 29 quận huyện và Sở GD-ĐT Hà Nội. Một vấn đề mà cả thành phố đang quan tâm hiện nay là việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường học trên toàn địa bàn thành phố đến năm 2020. Với tổng dân số toàn Hà Nội hiện đã lên tới 6 triệu dân, nhiều cấp học, đặc biệt là bậc mầm non đang chịu sự quá tải trầm trọng.

Mạng lưới trường học Hà Nội:

Quỹ đất sắp cạn

(ANTĐ) - Ngày 15-4, Hà Nội có buổi giao ban chuyên đề về giáo dục giữa UBND TP với 29 quận huyện và Sở GD-ĐT Hà Nội. Một vấn đề mà cả thành phố đang quan tâm hiện nay là việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường học trên toàn địa bàn thành phố đến năm 2020. Với tổng dân số toàn Hà Nội hiện đã lên tới 6 triệu dân, nhiều cấp học, đặc biệt là bậc mầm non đang chịu sự quá tải trầm trọng.

Cần sớm quy hoạch mạng lưới trường học để đảm bảo quyền lợi của học sinh Thủ đô
Cần sớm quy hoạch mạng lưới trường học để đảm bảo quyền lợi của học sinh Thủ đô

Nơi thiếu đất, nơi thiếu tiền

Tiêu chí quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội đến năm 2020 được bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cung cấp tới lãnh đạo UBND các quận huyện là mỗi xã, phường, thị trấn hay khu đô thị cần có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS công lập, từ 3 đến 5 vạn dân thì cần có 1 trường THPT.

Trả lời về tiêu chí phấn đấu này, bà Cao Thị Bích Lan, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, chắc chắn quận không thể đáp ứng yêu cầu này vì địa bàn quận lâu nay đã không còn quỹ đất dành cho trường học.

“Hiện chúng tôi chỉ còn một biện pháp là tìm hiểu đơn vị nào sử dụng đất không đúng mục đích, hoạt động không hiệu quả thì báo cáo với thành phố xem xét để thu hồi đất cho trường học. Đây cũng là tình trạng chung của các quận nội thành có quỹ đất hạn hẹp” - bà Lan cho biết.

Ông Đàm Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, cách đây 5 năm, dân số của quận là 180.000 người, hiện nay đã phát triển gấp đôi. Sự phát triển mạnh về dân số khiến cho  ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non của quận chịu sức ép lớn giữa quy mô, diện tích trường có hạn với nhu cầu học tập ngày càng cao.

Ông Khánh bày tỏ lo ngại, trong khi chờ các ngành các cấp phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học, các miếng đất trống có thể dành cho trường học sẽ biến mất trước nhu cầu đầu tư rất lớn của các doanh nghiệp. Còn với huyện Thanh Trì, bà Lã Thị Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để đáp ứng nhu cầu học tập của riêng khối mầm non thì huyện đã thiếu tới hơn 150 phòng học và phải đầu tư tới 350 tỷ đồng.

Ngoài ra với số lượng học sinh ngày càng đông, huyện này cũng đang thiếu 2 trường THPT so với tổng số 2 trường như hiện nay. Trong khi quỹ đất không phải là vấn đề với Thanh Trì thì việc huy động vốn đầu tư lại là khó khăn của huyện. Bà Nhung đề nghị thành phố hỗ trợ cho huyện 50% kinh phí để phát triển mạng lưới trường học.

Bài học về quy hoạch

Theo bà Thẩm Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, vì là quận mới nên Long Biên đã rút kinh nghiệm từ các quận nội thành cũ, sớm xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học theo yêu cầu đạt chuẩn quốc gia. Do vậy, trong tổng số 47 trường học trên địa bàn quận thì có tới 43 trường đạt chuẩn với diện tích đảm bảo thấp nhất là 15m2/học sinh cho đến 33m2/học sinh.

Với quy hoạch này, Long Biên đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu học tập của người dân đến 2020. “Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, đầu tư xây dựng trường học không khó nhưng cái khó là không còn quỹ đất để dành cho quy hoạch trường học”. Theo bà Cúc, đây có thể coi là kinh nghiệm cần thiết cho các quận, huyện mở rộng, cần sớm rà soát, xây dựng quy hoạch trước khi  xảy ra tình trạng không còn đất để đầu tư xây trường.

Để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, UBND các quận huyện chịu trách nhiệm quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn mình trên cơ sở điều tra, rà soát thực tế để bổ sung đối với những nơi đã có quy hoạch và triển khai thực xây dựng quy hoạch với những nơi chưa công bố quy hoạch.

Định hướng quy hoạch và xây dựng trường học đều phải tiến tới đạt chuẩn quốc gia. Bà Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các quận, huyện khi phê duyệt đề án cho các chủ đầu tư là doanh nghiệp xây dựng khu đô thị cần phải yêu cầu tính đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bắt buộc phải dành đất xây trường học.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, thành phố đã kiên quyết chỉ đạo các quận, huyện dành đất từ việc di dời của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường để xây dựng trường học. “Lãnh đạo các UBND quận, huyện phải kiên quyết trong vấn đề này thì mới đảm bảo có đất xây trường cho con em mình về sau”- Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Vinh Hương