Quá tải bệnh viện- "bệnh" cũ tái phát

ANTD.VN - Vài năm gần đây, Bộ Y tế thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc giảm tải bệnh viện, mà đỉnh điểm là quyết sách vận động các bệnh viện trên toàn quốc ký cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép quá 48 giờ sau khi nhập viện, thế nhưng đến nay rất nhiều bệnh viện lớn tuyến cuối vẫn e dè không dám ký cam kết. Ngay tại những bệnh viện đã ký cam kết, thực tế vẫn cứ loay hoay chống quá tải.

Giảm nằm ghép xuống 2 đã là mừng

Những ngày qua, câu chuyện quá tải trầm trọng khiến bệnh nhân phải nằm ghép 3, ghép 4 người/giường bệnh, thậm chí nằm cả ở lối đi tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai được hâm nóng trên hầu hết các phương tiện báo chí truyền thông và bản thân những người bệnh cũng bày tỏ bức xúc.

Hiện toàn Bệnh viện Bạch Mai có 2.300 giường bệnh thực kê nhưng thường xuyên có 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 6.000 bệnh nhân khám ngoại trú/ngày nên quá tải là điều khó tránh, nặng nề nhất là 3 đơn vị: Viện Tim mạch, Khoa Thần kinh, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân.

Trong đó, tại Viện Tim mạch Quốc gia, số bệnh nhân điều trị nội trú luôn gấp đôi số giường thực kê (525 bệnh nhân/278 giường), nghĩa là hầu như giường bệnh nào cũng phải nằm ghép. Còn tại Khoa Thần kinh, TS Võ Hồng Khôi, Phó Trưởng khoa cho biết: “Toàn khoa có 200 giường thực kê, trước đây thường xuyên có tới 400 bệnh nhân nằm điều trị, nay đã giảm mạnh song ngay ngày thấp điểm cũng vẫn có 264 bệnh nhân/200 giường bệnh”…

Chia sẻ với phóng viên ANTĐ về câu chuyện này, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Thực tế với những bệnh viện như Bạch Mai, nếu trước đây bệnh nhân thường xuyên phải nằm ghép 3, thậm chí ghép 4-5 người/giường bệnh thì nay giảm được xuống nằm ghép 2 đã là mừng. Nếu như trước đây thời điểm nào, khoa nào cũng quá tải, thì nay giảm xuống còn quá tải cục bộ (tại một số khoa, một số thời điểm…) như thế cũng đã là cải thiện rất lớn rồi”.

Cho rằng việc bệnh nhân nằm ghép chỉ là quá tải bề nổi, TS Dương Đức Hùng phân tích thêm, ngoài quá tải bệnh viện nhìn thấy được như bệnh nhân nằm ghép thì còn quá tải không nhìn thấy được. Đó là bệnh nhân tăng nhưng quân số nhân viên y tế không tăng.

“Chẳng hạn, theo quy định 1 điều dưỡng phụ trách 5 bệnh nhân, nay bệnh nhân tăng nhưng nhân viên không tăng nên 1 điều dưỡng phụ trách tới 10-20 bệnh nhân, quá tải này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám chữa bệnh, đến quyền lợi của người bệnh”, TS Dương Đức Hùng dẫn chứng.

Không riêng Bệnh viện Bạch Mai, theo khảo sát của chúng tôi tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, tình trạng quá tải cũng diễn ra khá trầm trọng ở các bệnh viện như Phụ sản Trung ương, K Trung ương… Đặc biệt tại Bệnh viện K Trung ương cơ sở 1, tình trạng nằm ghép 2-3 bệnh nhân/giường bệnh vẫn phổ biến ở hầu hết các khoa điều trị, xạ trị.

Đây cũng chính là lý do khiến các bệnh viện này hiện vẫn chưa dám ký kết không để bệnh nhân nằm ghép với Bộ Y tế. Hay ngay như Bệnh viện Nhi Trung ương - một trong khoảng 40 bệnh viện Trung ương đã tham gia ký kết không để bệnh nhân nằm ghép song hiện đơn vị này cũng chỉ dám ký kết không nằm ghép, tại một số khoa nhất định.

Tại khu vực TP.HCM, tình trạng quá tải tại một số bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Ung bướu, Nhi đồng 1… còn diễn ra trầm trọng hơn. Cũng vì thế, vào tháng 4-5 vừa qua, sau một số lần thị sát tại các bệnh viện tuyến Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải lắc đầu thừa nhận rằng tại một số bệnh viện lớn, việc giảm tải chưa có nhiều chuyển biến. 

Loay hoay chống quá tải 

Rõ ràng, quá tải bệnh viện vẫn đang là “căn bệnh trầm kha” quá khó giải với ngành Y tế. Có thể nhận thấy các giải pháp “hạ hỏa” mà Bộ Y tế đang triển khai như xây dựng bệnh viện vệ tinh; luân chuyển cán bộ về tuyến y tế cơ sở; xây mới, mở rộng bệnh viện... chưa giải quyết được tình trạng quá tải bởi trong thực tế, nhiều bệnh viện được xây mới khang trang nhưng người bệnh không tìm đến, nhiều bệnh viện vệ tinh đã được chuyển giao kỹ thuật nhưng người bệnh ở địa phương vẫn vượt tuyến.

Sâu xa cũng bởi người dân chưa thật tin vào y tế tuyến dưới. Việc vận động, yêu cầu các bệnh viện ký cam kết, không nằm ghép quá 48 giờ, hiện đã có hàng trăm bệnh viện ký song người bệnh chưa thực sự vui mừng bởi rốt cuộc đâu lại vào đấy.

Hay như câu chuyện tại Bệnh viện Bạch Mai, theo chia sẻ của GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc Bệnh viện - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, vài năm trước, để hạn chế số người nhà bệnh nhân có mặt rất đông trong bệnh phòng khiến buồng bệnh vốn quá tải càng thêm quá tải, bệnh viện đã kiên quyết không cho người nhà vào bệnh phòng.

Thế rồi nhận thấy người nhà bệnh nhân không có chỗ ở, mưa nắng vẫn “cắm trại” la liệt khắp khuôn viên sân, vườn của bệnh viện nên bệnh viện lại quyết định cho họ vào bệnh phòng, vừa trông bệnh nhân, vừa có chỗ ở qua đêm. Thế là “bệnh cũ” lại tái diễn.

Vậy phải chăng ngành Y tế đang bất lực? Trả lời câu hỏi này, TS Dương Đức Hùng cho rằng, chỉ khi hiểu được đầy đủ các lý do khiến quá tải bệnh viện còn tồn tại thì mới chống quá tải được.

TS Dương Đức Hùng phân tích, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường chỉ đạo tuyến, rút ngắn thời gian điều trị, rồi kêu gọi nhân dân mắc bệnh nhẹ nên khám chữa ở tuyến dưới, hay hạn chế bệnh nhân vượt tuyến bằng cách đánh vào quyền lợi của họ (bệnh nhân trái tuyến chỉ được hưởng bảo hiểm y tế nếu điều trị nội trú, ngoại trú không được hưởng bảo hiểm như trước)…, song thực tế có những đặc thù riêng.

Chẳng hạn có những chuyên khoa như ung bướu, tim mạch, tâm thần, tuyến dưới không điều trị được hoặc chất lượng còn rất yếu nên các bệnh viện tuyến trên không thể chuyển bệnh nhân xuống tuyến dưới, càng không có quyền từ chối tiếp nhận bệnh nhân.

“Đơn cử, tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi buổi tối tiếp nhận từ 30-40 bệnh nhân cấp cứu. Vì đây là tuyến cuối cùng về tai biến thần kinh, các tuyến dưới lại chưa có khoa chuyên biệt nên rất khó để liên hệ chuyển bệnh nhân nhằm giảm tải. Muốn “giải phóng” bệnh nhân, liên hệ để chuyển cũng chỉ được 10-15 bệnh nhân về các bệnh viện tuyến dưới ngay tại Hà Nội như Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn hay Đống Đa…” - TS Dương Đức Hùng dẫn chứng.

Rồi bệnh nhân vượt tuyến nếu nội trú mới được hưởng bảo hiểm nên số người xin điều trị nội trú tất yếu tăng lên và tất yếu quá tải hơn. 

Cũng theo TS Dương Đức Hùng, các giải pháp chống quá tải bệnh viện mà Bộ Y tế đang chỉ đạo triển khai cơ bản đúng hướng nhưng không thể đòi hỏi hiệu quả ngay trong một sớm một chiều. Điều quan trọng nhất vẫn là phải tăng thêm số giường bệnh, sau đó kết hợp với các giải pháp khác mới giải quyết đồng bộ được.

Ngoài ra, theo lãnh đạo một số bệnh viện, để giải quyết quá tải, không thể chỉ có một lời cam kết mà Bộ Y tế cần đưa ra những biện pháp quyết liệt, đồng bộ hơn, trong đó phải phát triển chất lượng y tế tuyến dưới để làm sao thực sự tạo được niềm tin với người bệnh.