Phụ huynh đến tận trường tát giáo viên: Phạt nặng cũng không giữ được hình ảnh

ANTD.VN - Vụ việc phụ huynh là giáo viên THPT tát cô giáo tiểu học ở Đà Nẵng vì làm xước má con đã gây phản ứng mạnh từ dư luận. Dù cả hai phía đều đã bị xử lý nghiêm nhưng hậu quả để lại khá nặng nề, khi hình ảnh người giáo viên bị hạ thấp với cách hành xử thiếu văn hóa.

Người giáo viên phải giữ được tác phong mô phạm mới nhận được sự kính trọng của học sinh (Ảnh minh họa)

Cả hai giáo viên đều bị kỷ luật

Chiều 21-10, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh đã có kết luận xử lý vụ việc phụ huynh vào trường Tiểu học và THCS Đức Trí - quận Hải Châu, TP Đà Nẵng tát giáo viên. Theo đó, bà Lê Thị Cúc - giáo viên môn Hóa, trường THPT Ngô Quyền, Đà Nẵng, người tát cô giáo của con mình vì hiểu nhầm cô đánh xước má con - bị Thanh tra Sở GD-ĐT quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng.

Đồng thời, giáo viên Lê Thị Cúc cũng bị trường THPT Ngô Quyền áp dụng hình thức kỷ luật là cảnh cáo. Sáng 21-10, vợ chồng giáo viên này cũng đã xin lỗi Hội đồng sư phạm trường  Tiểu học và THCS Đức Trí về hành động gây rối trật tự, xin lỗi cô B.T.L.A. vì đã đánh nhầm cô, xin lỗi cô V.N.K.O. vì đã quay clip và đưa lên mạng xã hội.

Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng thông tin, Công an phường Bình Thuận đã triệu tập chồng cô giáo Lê Thị Cúc lên làm việc và xử lý về hành vi gây rối trật tự.

Theo tờ trình của trường Đức Trí gửi Sở GD-ĐT Đà Nẵng, khoảng 16h35, ngày 12-10, giáo viên Lê Thị Cúc, mẹ của em B.H.G dẫn theo học sinh này vào trường, tát vào mặt cô giáo L.A. khiến cô ngã về phía trước. Tuy nhiên, cô L.A. nói không biết học sinh H.G và bị đánh nhầm.

Sau đó, khi Hiệu trưởng mời cô V.N.K.O. là giáo viên trông trưa làm rõ sự việc, bà Lê Thị Cúc đã đe dọa và cầm điện thoại quay phim cô O. Ngay sau đó, bố của em H.G đã vào trường, lấy micro của cô giáo và hai bên giằng co khiến cô giáo này bị thương, chảy máu ở tay. Sự việc khiến giáo viên và học sinh trong trường náo loạn.

Theo ông Mai Tấn Linh - Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Đà Nẵng, sự việc này đã được xử lý nghiêm khắc. Theo đó, cô O., giáo viên làm xước má học sinh dù chỉ gây thương tích nhỏ và không cố ý nhưng vẫn phải chịu xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng và bị đình chỉ công tác 1 tháng.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, đây là một sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục Đà Nẵng. Do vậy, sai phạm từ cả hai phía đều bị xử lý nghiêm khắc.

Vì vết xước trên má con, nữ giáo viên đã thẳng tay tát đồng nghiệp

Còn đủ tư cách dạy học sinh?

Mặc dù không bênh vực cô giáo đánh học sinh đến xước má nhưng phần lớn phản ứng trên mạng xã hội đều không chấp nhận hành vi tát cô giáo của phụ huynh, nhất là phụ huynh này lại là đồng nghiệp. Không dừng lại sau khi tát nhầm, vị giáo viên này còn dùng điện thoại quay cô giáo đánh con mình với mục đích trừng trị cho hả giận. 

Liệu hai cô giáo bị đánh, bị chửi bới tại trường còn tâm trí nào đứng lớp sau khi bị xúc phạm nặng nề? Hơn ai hết, bản thân vị phụ huynh kia với gần 20 năm kinh nghiệm nghề giáo cũng hiểu đồng nghiệp của mình phải chịu nhiều áp lực, học sinh thì đông mà lại quen được bố mẹ nuông chiều nên bướng bỉnh, không nghe lời.

Vậy mà, thay vì bình tĩnh, rút kinh nghiệm thì vị này lại hành hung cô giáo. Cách hành xử này không thể thông cảm dù với bất cứ lý do nào. “Phụ huynh bênh con mà hành hung, thóa mạ cô giáo thì chỉ khiến con hư thêm, không nghe lời thầy cô dạy bảo. Cha mẹ đừng nghĩ, con mới 8-9 tuổi thì không biết gì, cách hành xử côn đồ của cha mẹ sẽ khiến các em lây nhiễm, cư xử thô bạo với bạn bè cùng trang lứa cũng như coi thường thầy cô giáo. Cứ vậy, tương lai con rồi sẽ ra sao” - chị Nguyễn Thái Vinh, giáo viên trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) chia sẻ.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, với bất cứ phụ huynh nào, khi xảy ra những vấn đề, mâu thuẫn của con cái trong trường học, đều cần tiếp cận sự việc một cách tỉnh táo, khách quan để có cách xử lý tốt nhất, đặc biệt là tránh gây tổn thương cho đứa trẻ.

Với một giáo viên, ở vị trí phụ huynh, hơn ai hết, bà Lê Thị Cúc cần biết cách xử trí như thế nào cho phù hợp. Không thể hiểu nổi vì sao một giáo viên có 18 năm trong nghề lại mắc phải một lỗi ứng xử nghiêm trọng như vậy. 

Câu hỏi tất yếu đặt ra là sau câu chuyện này, người giáo viên đó làm sao tiếp tục dạy dỗ học trò của mình? Hình ảnh nhà giáo cần phải được giữ gìn ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Khi đã để mất hình ảnh vì những hành xử thiếu chuẩn mực thì dù có áp dụng hình thức kỷ luật, xử phạt thế nào cũng không thể lấy lại sự kính trọng của học trò đối với người thầy.