Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Điều chỉnh quy hoạch có lợi cho dân thì làm

ANTD.VN - Đánh giá cao Hà Nội đã làm tốt công tác quy hoạch, chủ động kêu gọi đầu tư, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần liên tục rà soát lại để điều chỉnh quy hoạch sao có lợi nhất cho người dân và nhà nước. Không ngại tâm lý là cứ điều chỉnh là có vấn đề...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội

Ngày 17-2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đã đi kiểm tra việc thực hiện một số quy hoạch chuyên ngành trong quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô. Đi cùng đoàn có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành của Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra thực địa tại công trường dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long và thăm Nhà máy nước Bắc Thăng Long. Tại điểm kiểm tra Dự án Cầu vượt đường An Dương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội báo cáo chi tiết về kết cấu đê sau điều chỉnh. Đơn vị tư vấn và UBND TP Hà Nội khẳng định sau khi điều chỉnh kết cấu đê vẫn bảo đảm tuyệt đối an toàn trong phòng chống lũ, đồng thời tạo điều kiện để mở rộng đường, giảm tải ùn tắc giao thông. Thành phố Hà Nội đã thuê tư vấn từ Hà Lan nghiên cứu phương án này.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem phối cảnh dự án cầu vượt An Dương với đê đất được thay bằng đê bê tông

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải đảm bảo 4 yêu cầu. Trong đó quan trọng số 1 là đảm bảo an toàn chống lũ. Bên cạnh đó, dự án phải giảm ùn tắc tắc giao thông; tạo ra công trình kiến trúc đẹp. Nhấn mạnh dự án cần đảm bảo nâng cao chất lượng đời sống người dân trong khu vực, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội và Bộ NN&PTNT thành lập hội đồng, mời các nhà khoa học trong và ngoài nước có kinh nghiệm thẩm định độ an toàn rồi công bố công khai để người dân biết, và đồng thuận.

Khẳng định đầu tư kết cấu hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định Hà Nội đã và đang nỗ lực lựa chọn các các dự án trọng điểm để đầu tư cũng như huy động nguồn vốn xã hội hoá mạnh mẽ để thực hiện các dự án quan trọng này.

Phấu đấu đến cuối năm 2017, Hà Nội sẽ hoàn thành tuyến đường vành đai 3; đến năm 2019 là các tuyến vành đai 1,2. Đối với 5 dự án 5 cây cầu mới để kết nối với các tỉnh thành, vùng kinh tế khác, Hà Nội hiện đã có đủ các nhà đầu tư BT và thành phố đã bố trí đủ đất đối ứng. Khi hoàn thành các tuyến này sẽ cơ bản kết nối đồng bộ hệ thống giao thông, tạo động lực phát triển. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế đặc thù thì các dự án này khó thực hiện bởi vốn đầu tư rất lớn... Thành phố đã nhận được đề xuất của 3 tập đoàn lớn trong nước tham gia xây dựng tuyến metro. Cụ thể là Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xuân Thành...

“Thời gian qua Hà Nội đã quyết liệt trong vấn đề chỉ đạo thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm, song vấn đề mấu chốt hiện nay là cơ chế. Nếu Chính phủ cho phép cơ chế đặc thù, Hà Nội sẽ đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, nếu thi công nhanh và quản lý tốt thì sẽ không có tình trạng tăng vốn, hiệu quả dự án sẽ cao hơn”, Chủ tịch UBND TP đề xuất.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem sơ đồ toàn tuyến dự án mở rộng vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long 

Đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của TP Hà Nội, Phó Thủ tướng đánh giá, Thủ đô đang thay đổi hàng ngày. Bên cạnh cảnh quan môi trường được chú trọng với thêm nhiều cây xanh, mặt nước; các công trình hạ tầng cấp bách được đầu tư và nhiều công trình được đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần hạn chế ùn tắc giao thông...

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh thi công 2 tuyến Nhổn – Ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông đồng thời nghiên cứu kết nối 2 tuyến đường sắt Quốc gia để tạo ra kết nối đồng bộ song hành với tìm nguồn vốn để thực hiện các tuyến đường sắt đô thị còn lại. Ông cũng lưu ý, cần huy động đầu tư bằng nội lực, đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc Hà Nội chủ động tìm nguồn vốn để thực hiện 6 tuyến đường sắt đô thị còn lại là cách làm chủ động, đáng biểu dương. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nội tham gia phải đảm bảo được an toàn khi thi công theo đúng tiêu chí nhanh, rẻ và an toàn.

Khẳng định nguồn lực xã hội hoá, tư nhân là rất quan trọng, Phó Thủ tướng phân tích: “Năm qua Hà Nội đầu tư ngân sách chỉ hơn 3 nghìn tỷ trong khi đầu tư từ nguồn xã hội hoá là gần 400 nghìn tỷ. Cần huy động tối đa nguồn lực này bởi hiện nay vay rất khó, lãi cao”.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, Hà Nội đã làm tốt công tác quy hoạch chuyên ngành tuy nhiên cần liên tục rà soát lại để điều chỉnh. “Nếu điều chỉnh quy hoạch có lợi ích cho người dân và nhà nước thì phải làm. Không ngại tâm lý là cứ điều chỉnh là có vấn đề”, Phó Thủ tướng nói...