Phải chống tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành

ANTD.VN - Trả lời chất vấn của các ĐBQH sáng 17-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ cùng hệ thống chính trị xử lý quyết liệt tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời phải chống tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn

Hoàn thiện thể chế, luật pháp để không còn kẽ hở

Là người đầu tiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ, ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho biết, cử tri và nhân dân rất đồng tình, ủng hộ tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành cũng như những thông điệp hợp lòng dân mà Thủ tướng đưa ra. Tuy nhiên, cử tri bất bình trước thực trạng một bộ phận cán bộ tha hóa biến chất.

“Thống kê cho thấy trong năm 2015, 75% công chức, 82% viên chức trong tổng số công chức, viên chức vi phạm có hành vi tham ô, tham nhũng, cờ bạc. Thủ tướng có quyết tâm giải quyết tình trạng này hay không, giải pháp thế nào?”, ĐB Nguyễn Thái Học hỏi. 

Trả lời nội dung trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ cùng hệ thống chính trị xử lý quyết liệt tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa ra khỏi bộ máy.

Về giải pháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cần những chủ trương rất cụ thể trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, như giáo dục rèn luyện đạo đức cho cán bộ, lấy đức làm gốc, đẩy mạnh cải cách tiền lương gắn với tinh giản biên chế, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, chống thoái hóa biến chất... 

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) chất vấn, thời gian gần đây, tình trạng tham nhũng diễn biến phức tạp với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có giải pháp nào ngăn chặn, đẩy lùi? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta đã triển khai một số biện pháp đồng bộ để phòng chống tham nhũng như: Xây dựng hệ thống luật pháp không có kẽ hở để cán bộ không dám, không thể và không nên tham nhũng; Cải cách cơ chế hành chính không còn cơ chế xin - cho, nhất là ở lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng...

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những cá nhân sai phạm, đồng thời tăng cường kiểm soát quyền lực của tất cả cán bộ; tăng cường tính công khai, minh bạch; quan tâm đến đời sống và công tác tư tưởng của cán bộ. Cùng với đó là phát huy vai trò của Mặt trận, đoàn thể và toàn thể nhân dân, báo chí... nhằm triển khai chống tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành.

Không dùng tiền thuế của dân để bù dự án thua lỗ

Đề cập tới vấn đề nợ xấu, ĐB Lê Quân (đoàn Hà Nội) ví đây như “cục máu đông”, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nếu không xử lý tốt sẽ rất khó cho nền kinh tế phát triển. “Chính phủ có giải pháp đột phá nào để giải quyết nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém?” - ĐB Lê Quân chất vấn. Thủ tướng   Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nợ xấu hiện nay là bài toán đặt ra cho nền kinh tế, đồng thời đưa ra 3 việc phải làm: Một là, phải có khung pháp lý tốt hơn.

Hai là, phải kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh nợ xấu mới. Ba là, có các giải pháp đồng bộ hơn để làm sao nợ xấu được minh bạch, giảm dần xuống. “Chúng tôi đang xây dựng đề án toàn diện xử lý nợ xấu và sẽ trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ gồm Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất, Nhà máy mở rộng gang thép Thái Nguyên, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy Đạm Ninh Bình và hướng xử lý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Không sử dụng tiền thuế của dân để bù cho việc thua lỗ này, còn việc xử lý sẽ được xem xét, kiểm tra, giải quyết trên tinh thần cắt lỗ, phải sử dụng hiệu quả. Nếu không sử dụng kịp thời, không sử dụng hiệu quả có thể cho phá sản các dự án thua lỗ này”. 

Về dịch vụ hành chính công, ĐB Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) chất vấn: “Giải pháp nào nâng cao chất lượng hành chính công, đạo đức công vụ? Có thể áp dụng mô hình nào nhằm nâng cao dịch vụ hành chính công thời gian tới?”. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện chúng ta áp dụng một số mô hình như mô hình một cửa và người dân đánh giá sự hài lòng về cán bộ.

Cùng với đó là việc áp dụng công nghệ thông tin, minh bạch, giám sát và tiếp tục triển khai mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công thời gian tới. Trước sự lo lắng của một số ĐB về tình trạng ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung sau sự cố Formosa, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nếu Formosa lặp lại việc gây ô nhiễm môi trường thì phải đóng cửa. 

“Ngắn gọn, thẳng thắn, nhiều cam kết ấn tượng”

Đó là đánh giá của ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) về phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. ĐB Nguyễn Thái Học nói: “Rất nhiều câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực, với những tồn tại, hạn chế, bất cập của cuộc sống mà cử tri gửi gắm, Thủ tướng đã trả lời rất ngắn gọn, thẳng thắn, trách nhiệm và có sự bao quát cao. Và một điều tôi rất ấn tượng là Thủ tướng đã khẳng định “một cây làm chẳng nên non”, nếu như một mình bản thân Thủ tướng thì sự quyết tâm, quyết liệt của cá nhân ông là không đủ, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Khi được đề nghị đánh giá về các cộng sự trong bộ máy Chính phủ, Thủ tướng nói “bàn tay có ngón ngắn ngón dài”. Điều này thể hiện sự cầu thị, sự quyết tâm xây dựng một Chính phủ đoàn kết, để phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, giải quyết các vấn đề bức xúc đang đặt ra”.

Quốc hội ghi nhận những cố gắng của Chính phủ

Sau phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã “chấm điểm”: “Thủ tướng đã thẳng thắn trả lời và làm rõ trách nhiệm của Chính phủ. Cá nhân Thủ tướng trong việc kế thừa đã tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến. Quốc hội ghi nhận những cố gắng của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ tập trung khắc phục những hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết”.