Ông Ngô Văn Nam nói gì về phản ánh "xin phép xuất khẩu gạo tốn 20.000 USD"?

ANTD.VN - Để làm rõ về phản ánh “mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD”, trong ngày 24-2, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC (TP.HCM) - người được cho là đã đưa ra thông tin nói trên. 

Chiều 23-2, ngay sau khi một số báo chí phản ánh thông tin “xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo thành lập Đoàn xác minh nhằm làm rõ sự việc trên.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, ngày 23-2-2017, một số báo điện tử có đăng tải ý kiến phát biểu của ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC tại buổi Tọa đàm về đề xuất sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức chiều 22-2-2017 tại TP.HCM như sau: “Ông Nam thông tin, mỗi lần xin phép thì tốn mấy chục nghìn USD, không dưới 20.000 USD”, “Lý do là mỗi lần xin là “mấy chục ngàn đô”, rất lãng phí... chủ trì tọa đàm hỏi về chi phí xin giấy phép và được vị đại diện này khẳng định “không dưới 20.000 USD”.

Để làm rõ về phản ánh “mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD”, trong ngày 24-2, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Ngô Văn Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH ADC (TP.HCM) - người được cho là đã đưa ra thông tin nói trên.

Sau nhiều lần từ chối với lý do bận, cuối cùng, ông Ngô Văn Nam chỉ trả lời ngắn gọn rằng ông sẽ không trả lời gì thêm về vấn đề này vì “thông tin báo chí đưa ra không đúng với ý mình”. Không trả lời câu hỏi của phóng viên rằng “cụ thể không đúng với ý mình là như thế nào?”, ông Ngô Văn Nam chỉ cho biết, “đang phải họp để xử lý thông tin”.

Một số doanh nghiệp phản ánh bất cập trong chính sách xuất khẩu gạo trong đó có việc xin giấy phép xuất khẩu gạo

Liên quan đến thông tin “xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, một chuyên gia từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thủy sản nhìn nhận: “Chuyện doanh nghiệp phải nộp những khoản tiền không có biên lai, chứng từ để được phép xuất khẩu không chỉ diễn ra đối với ngành xuất khẩu gạo mà còn ở nhiều ngành khác”.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, đã đến lúc ngành xuất khẩu gạo bỏ quy định giới hạn doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo. “Trước kia, chúng ta giới hạn doanh nghiệp được xuất khẩu gạo vì muốn đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, gạo ăn của chúng ta thường xuyên dư thừa, xuất khẩu không hết thì còn giới hạn doanh nghiệp làm gì”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng bày tỏ.

Cũng theo vị chuyên gia này, khác với ngành gạo, ngành xuất khẩu thủy sản đã bỏ những rào cản như giới hạn doanh nghiệp tham gia xuất khẩu từ những năm 1980 và đến nay, xuất khẩu thủy sản đã chứng minh được thế mạnh cũng như sự phát triển vượt bậc của mình. “Cần loại bỏ những quy định trói buộc doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản. Nhà nước hiện đang can thiệp quá sâu vào lĩnh vực xuất khẩu gạo và như vậy thì không hiệu quả, không phát huy hết được tính đa dạng của thị trường”, ông Nguyễn Hữu Dũng cho thay.

“Doanh nghiệp nếu có đủ năng lực xuất khẩu, tìm được thị trường và đáp ứng được các tiêu chí như về an toàn thực phẩm, về nguồn gốc xuất xứ… của sản phẩm thì cho phép doanh nghiệp được tự do xuất khẩu gạo. Thị trường nước ngoài sẽ tự điều tiết điều kiện đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp muốn bán được sản phẩm của mình thì buộc phải đáp ứng đủ các điều kiện, vậy Nhà nước còn can thiệp sâu, quy định ràng buộc nhiều “phải” đối với doanh nghiệp xuất khẩu để làm gì, rất dễ sinh ra xin - cho”, ông Nguyễn Hữu Dũng nêu ý kiến.

Theo Hiệp hội xuất khẩu gạo, kết quả xuất khẩu gạo của nước ta đã tụt giảm mạnh trong thời gian qua. Kết thúc năm 2016, xuất khẩu gạo đạt gần 4,95 triệu tấn với giá trị 2,2 tỷ USD, giảm mạnh lên đến 25,5% về số lượng và 20,5% về giá trị so với năm 2015. Lường trước những trở ngại trong xuất khẩu, năm 2017, xuất khẩu gạo chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 5%, trên 5 triệu tấn, với giá trị 2,3 tỷ USD, nhưng ngay từ đầu năm đã vướng phải khó khăn lớn khi Thái Lan có kế hoạch xả kho 8 triệu tấn gạo dự trữ.