Ôn thi học kỳ II, thầy trò quay cuồng với bài tập

ANTD.VN - Ở bậc tiểu học, dù đã bị cấm nhưng việc giao bài tập về nhà vẫn tái diễn, nhất là trong thời điểm sát kỳ kiểm tra cuối năm học. 

Áp lực về thành tích, thi cử vẫn là thực tế diễn ra tại nhiều trường học khi đang vào thời điểm chuẩn bị kiểm tra, đánh giá các môn học cuối năm. Nhiều phụ huynh than thở con phải học cả ngày ở trường nhưng về đến nhà vẫn phải làm bài tập đến khuya.

Ngay ở bậc tiểu học, việc giao bài tập về nhà dù bị cấm nhưng nhiều trường vẫn lặng lẽ thực hiện. Vụ việc cô giáo đánh bầm tay học sinh ở trường Tiểu học Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vì làm thiếu bài tập là ví dụ cho thấy áp lực rất lớn từ nhà trường đối với học sinh.

Ôn thi học kỳ II, thầy trò quay cuồng với bài tập ảnh 1Bài tập về nhà vẫn tiếp tục là gánh nặng với học sinh tiểu học

Cô đánh vì không làm bài tập

Hiệu trưởng trường Tiểu học Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) Nguyễn Minh Tiệp xác nhận, sự việc xảy ra ngày 21-4 tại một lớp thuộc khối 5 của trường. Trong bản tường trình, cô giáo chủ nhiệm cho biết, tại buổi học ngày 21-4, em N.B.Y, học sinh lớp 5C của trường đã bị cô Tr. - giáo viên chủ nhiệm lớp dùng thước đánh vào tay.

Trong báo cáo với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 5C cho biết, khi cô kiểm tra bài tập của em N.B.Y phát hiện em này chưa làm bài tập về nhà nhưng trước đó em lại nói là làm rồi. Sau đó, em mới nhận lỗi là mình chưa làm. Quá tức giận giáo viên đã dùng thước đánh vào tay em.

Cũng tại bản báo cáo, cô giáo đã thừa nhận hành động của mình là sai. “Cô giáo rất hối hận và mong muốn được nhà trường, phụ huynh, học sinh thứ lỗi vì một phút nóng giận và cam kết không sai phạm”, Hiệu trưởng Nguyễn Minh Tiệp cho biết.

Vụ việc cô giáo đánh bầm tay học sinh ở trường tiểu học Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vì làm thiếu bài tập là ví dụ cho thấy áp lực rất lớn từ nhà trường đối với học sinh.

Ngày 25-4, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã họp, thống nhất để cô chủ nhiệm tiếp tục đứng lớp vì đang đợt ôn thi cuối học kỳ II. Tuy nhiên, sáng 26-4, Phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm đã tổ chức đoàn làm việc với trường và đề nghị tạm đình chỉ đứng lớp với cô giáo Tr., chờ kết luận sự việc để có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Mễ Trì giải thích, kết luận kỷ luật cuối cùng với giáo viên đánh học sinh sẽ phải chờ xác minh đầy đủ sự việc.

Được biết, gia đình học sinh đã viết đơn xin có hình thức kỷ luật nhẹ với giáo viên bởi lỗi một phần do con họ chểnh mảng. Giáo viên chủ nhiệm vì lo lắng cho việc học của học sinh nên đã hành động thái quá. Bản thân em N.B.Y cũng đã đi học bình thường và các vết bầm tím đã hồi phục.

Càng sát ngày thi càng nhiều bài tập

Ngay cả Tổng Chủ biên môn Toán, chương trình giáo dục phổ thông mới, GS.TSKH Đỗ Đức Thái cũng rất bức xúc: “Con tôi là một ví dụ. Cháu học lớp 9, mỗi tuần có hai phiếu bài tập, lớp 8 mỗi phiếu 2 trang, lớp 9 mỗi phiếu 3 trang A4. Mong muốn lớn nhất của cháu là có thời gian để ngủ, để được xem phim nhưng không có”. 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đối với học sinh tiểu học đã học 2 buổi 1 ngày thì không cần phải có bài tập về nhà, gây áp lực học tập quá lớn, chiếm quá nhiều thời gian để trẻ nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Tuy nhiên, thực tế, nhiều giáo viên tiểu học tâm sự, không giao bài tập về nhà sẽ khiến các em mất ý thức tự học và nguy hiểm nhất là bước vào bậc THCS, học sinh sẽ bị “sốc” bởi khối lượng môn học và bài tập quá nhiều. Chính vì vậy, không chỉ giáo viên mà cả phụ huynh cũng có nguyện vọng vẫn giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học.

Có thể thấy, dù chủ trương của Bộ GD-ĐT là giảm tải, tăng cường kỹ năng sống nhưng với các cấp học kể cả tiểu học đến THCS, THPT áp lực học tập với nội dung kiến thức các môn học quá nhiều, cách đánh giá, thi cử chưa đổi mới thì mọi biện pháp Bộ đưa ra đều chỉ được thực hiện theo kiểu hình thức.