Những người đàn ông "không bao giờ lớn"

ANTD.VN - Hôm qua vào facebook, thấy cô bạn cùng lớp năm xưa tuyên bố xanh rờn: “Nhất định không để cho con gái đi theo vết xe đổ của mẹ, lấy chồng Hà Nội”.

- Có kèm lý do hay giải thích gì không?

- Cô ấy không viết lên “phây”, nhưng chuyện thế nào thì ở lớp cũ nhiều người biết. Hồi đó nhiều người thầm thương trộm nhớ lắm, nhưng cuối cùng cô ấy cưới một anh “trai Hà thành”. Sau này suốt ngày than thở chuyện ông chồng không bao giờ lớn, trong khi đám bạn xuất thân nông thôn đã rất thành đạt thì mình vẫn lẹt đẹt, bằng lòng với việc sáng cắp ô đi tối cắp về, mà những lúc ở nhà thì cũng như “ông kễnh”.

- Chuyện đó thì có gì lạ. Đám thanh niên sinh ra ở thành phố, nếu nhà lại có một chút điều kiện thì phần lớn là như vậy, không có ý chí tiến thủ vì có bao giờ gặp khó khăn, trắc trở đâu. 

- Đấy là thời mình, còn bây giờ khác rồi chứ nhỉ? Dù sao thì thế hệ sau này cũng được tiếp thu các phương pháp giáo dục hiện đại hơn, hiệu quả hơn của nước ngoài, và rút kinh nghiệm của người đi trước nữa. 

- Thế mà tình hình còn có vẻ tệ hơn. Nhiều ông bố bà mẹ gốc nông thôn sống ở Hà Nội dường như đã quên đi điều gì làm nên con người mình bây giờ, nên cho con cái sống trong sự thừa mứa vật chất, thừa mứa sự nâng niu, bao bọc, nên cuối cùng làm chúng thiếu những kỹ năng cần thiết. 

- Và sau này lại trở thành những người đàn ông “không bao giờ lớn”? 

- Đúng. Nếu chúng không bao giờ biết đến những khó khăn trở ngại thì sẽ chỉ đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh mỗi khi có biến cố xảy ra. Kết quả là chúng sẽ trở thành những con người không có sự vị tha, sống ích kỷ, tâm hồn thì cằn cỗi, không cảm xúc… Cuộc sống thiếu những thứ ấy thì dù vật chất có đủ đầy đến đâu, cũng khó mà trọn vẹn.