Những Anh hùng phá bom nổ chậm trên đỉnh Lũng Lô

ANTD.VN - Cụ Nguyễn Tân - nguyên là chiến sỹ quân khí, Tiểu đoàn 206 đưa tôi xem tập sách tự đóng bằng giấy A4 đã ố vàng nhiều chỗ. Chỉ tay vào một bức ảnh đen trắng đã mờ, cụ tự hào: “Chúng tôi đấy”, rồi nhẩn nha đọc câu thơ của Tố Hữu: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”.

Đọc xong, cụ bảo cung đường Lũng Lô là cung đường đầy hiểm nguy trong chiến dịch “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”. Tôi nói: “Bác kể lại chuyện Tiểu đoàn 206 phá bom nổ chậm trên cung đường này nhé”. Cụ Tân chậm rãi: “Chuyện dài như kháng chiến chống Pháp, nghe nổi không?”. 

Những Anh hùng phá bom nổ chậm trên đỉnh Lũng Lô ảnh 1Cụ Nguyễn Tân

Tiểu đoàn anh cả

Cụ Tân gọi cuộc hành trình lên Điện Biên Phủ của mình là một cơ duyên bởi cụ xuất thân là lính quân khí, chủ yếu làm nhiệm vụ sửa chữa phương tiện, khí tài cho bộ binh chiến đấu.

“Hồi đó, quân khí chúng tớ chủ yếu nằm ở tuyến sau, chẳng mấy khi được tham chiến trực tiếp. Thanh niên mới 20 tuổi mà cứ ngồi một chỗ như thế thì… buồn lắm. Anh nào anh nấy đều cũng chỉ muốn được ra mặt trận.

Thế rồi sau chiến dịch biên giới Thu - Đông 1950, quân ta nhận thấy địch bắt đầu sử dụng ưu thế về không quân để ném bom nổ chậm hoặc dùng pháo tầm xa ngăn chặn đường chi viện từ hậu phương ra tiền tuyến.

Tình hình này đòi hỏi phải tổ chức một lực lượng đảm bảo giữ thông suốt và an toàn trên toàn tuyến giao thông, nhằm chủ động hậu cần phục vụ  cả chiến dịch”. Cụ Tân bắt đầu câu chuyện bằng những dấu mốc lịch sử như trong sách giáo khoa khiến tôi sốt ruột: “Vậy là các bác xung phong à?”.

Cụ Tân cười khà khà: “Chúng tôi đâu có ham đi làm đường. Nhưng mãi sau này mới biết Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh lúc đó đã có những nhận định vô cùng sáng suốt. Ấy là phải thành lập ngay lực lượng công binh, tiểu đoàn tôi ra đời trong hoàn cảnh đó. Nên nhớ, ngày ấy ta chưa có binh chủng công binh.

Vì thế, để chịu trách nhiệm mở đường, ngày 20-6-1952 tại khu rừng xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, Tiểu đoàn 206 (trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh) đã được thành lập gồm 3 đại đội 55, 56 và 57 phối hợp cùng với Tiểu đoàn 106 (tách ra từ Trung đoàn 151, Đại đoàn 351).

Khu vực chúng tôi phải đảm bảo thông suốt là các tuyến đường 1A, 1B, 2, 3, 6, 13A, 13 B, 16 và các trọng điểm đèo dốc, bến phà dài 500km thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu. Đây chính là các đơn vị tiền thân của Binh chủng công binh sau này.

Những Anh hùng phá bom nổ chậm trên đỉnh Lũng Lô ảnh 2Bộ đội ta mở đường vào chiến dịch Điện Biên

Đường tới Điện Biên

Sau 8 năm sa lầy ở Đông Dương, tháng 5-1953, Pháp cử Tướng Henri Navarre sang Việt Nam làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh. Hai tháng sau, bản Kế hoạch Navarre ra đời và đến ngày 20-11 thì cuộc hành quân Castor xuống lòng chảo Điện Biên Phủ diễn ra bằng sự đổ bộ của 6 Tiểu đoàn dù Pháp. Thế nhưng người Pháp không biết được trước đó gần 1 tháng, Tiểu đoàn 206 đã hành quân tới tận đèo Pha Đin, trong đó Đại đội 57 của cụ Tân đã chốt giữ xong đèo Lũng Lô.

Cụ Tân vẫn nhớ như in những tháng ngày gian nan ấy: “Cung đường Tây Bắc thời đó chỉ có đường đất nằm giữa những tán rừng nứa già cực kỳ rậm rạp. Hai bên là núi cao và vực sâu thăm thẳm với những khúc cua tay áo rất gắt.

Chẳng cứ đêm hôm mà ngay cả ban ngày, rắn rết, thú dữ còn mò ra tận nơi đơn vị đóng quân. Cả đại đội chỉ độ hơn 100 người chia nhau ra dựng lán trại và mở rộng các đoạn cua đủ cho xe vận tải có thể đi qua. Lúc ấy chúng tôi chỉ biết làm chứ chưa hề có khái niệm nơi đây sẽ là cung đường huyết mạch phục vụ cho một chiến dịch chấn động thế giới sau này”.

Công việc vất vả nhưng vẫn đều đặn trôi đi cho đến một ngày, các chiến sỹ của Đại đội 57 đứng ngẩn người khi thấy những chiếc máy bay vận tải hạng nặng của quân Pháp nhằm hướng Điện Biên Phủ ầm ì bay tới.

Những ngày sau đó là một cuộc chuyển động thần kỳ, hàng vạn con người rầm rập vượt qua Lũng Lô với đủ mọi thành phần, bộ đội, dân công hỏa tuyến, xe vận tải kéo pháo, xe tải đạn, xe đạp thồ lương thực và thậm chí cả những người nông dân gồng gánh nhu yếu phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên. Nhưng cũng kể từ lúc ấy, Đại đội 57 đã phải hứng chịu những trận bom đầu tiên từ máy bay ném bom và máy bay khu trục Pháp.

Biết được các tuyến đường đèo là yếu điểm chí tử của con đường vận tải, quân Pháp tập trung một số lượng lớn máy bay liên tục đánh phá vào đây. “Hồi đó máy bay chưa hiện đại như bây giờ nên chỉ đánh được ban ngày. Vì thế trong khi bộ đội và dân công ban ngày ẩn nấp trong rừng, ban đêm mới tiếp tục hành quân thì chúng tôi lại phơi mặt ra để đối phó” - cụ Tân bồi hồi nhớ lại.

Để ngăn chặn đường tiếp tế của quân ta, máy bay Pháp trút xuống đỉnh đèo Lũng Lô hàng chục loại bom, nhưng phổ biến nhất vẫn là bom phá, bom sát thương bươm bướm, bom chông và bom nổ chậm. Nếu trên đường bằng phẳng, khắc phục bom khó một thì đường đèo sẽ khó gấp 10 vì san lấp rất vất vả và mất thời gian.

Trong các loại bom thì bom chông và bom nổ chậm là cực kỳ nguy hiểm. Cả nghìn chiếc đinh chông bắn ra vương vãi khắp nơi trở thành những chiếc bẫy đối với pháo và xe vận tải. Chỉ cần một chiếc xe dính chông xịt lốp là cả tuyến đường ách tắc. Còn bom nổ chậm thì chui sâu xuống lòng đất và có thể giết người bất cứ lúc nào.

Những Anh hùng phá bom nổ chậm trên đỉnh Lũng Lô ảnh 3Cụ Nguyễn Đức Lâm

Giữ mạch máu cho chiến dịch

Để đối phó với địch, cả Đại đội 57 đã gần như trực chiến suốt ngày không nghỉ. Yêu cầu đặt ra là phải phá bằng hết bom nổ chậm trước lúc mặt trời lặn để ban đêm thông đường. Do ngày ấy, ống nhòm rất hiếm nên một tổ chiến sỹ được giao nhiệm vụ, khi địch đánh phá phải trèo lên những ngọn cây cao nhất trên đỉnh đèo để đếm bom và khoanh khu vực bom rơi. Nhóm còn lại ở dưới mặt đất có trách nhiệm đếm các tiếng nổ. Sau khi máy bay địch rút đi, hai nhóm sẽ thống kê và so sánh số liệu để  biết được có bao nhiêu quả bom chưa nổ. Phần còn lại của đại đội sẽ phải tìm bằng được các quả bom đó rồi vô hiệu hóa.

Phá bom nổ chậm là công việc cực kỳ nguy hiểm bởi các chiến sỹ không thể biết trong lúc họ tìm kiếm thì quả bom sẽ nổ lúc nào. Đại tá Nguyễn Đức Lâm (Học viện Quân y) - nguyên Chính trị viên đại đội nhớ lại: “Anh em chúng tôi hồi đó kinh nghiệm phá bom chưa nhiều, nhưng rất may lại nhiều sáng kiến. Quả bom nổ chậm rơi xuống bao giờ cũng chui sâu xuống lòng đất 2-3m chỉ để lại một miệng lỗ nhỏ xíu. Giữa rừng già chằng chịt dây leo, tìm hút bom là điều không đơn giản vì cây cối phủ kín. Thế là mọi người cứ bảo nhau, khu vực nào có mùi khét là chắc chắn có bom ở đó. Ấy vậy mà tìm được thật”.

Có một câu chuyện thật như đùa mà đến bây giờ những cựu binh Đại đội 57 như cụ Tân, cụ Lâm vẫn kể lại với nhau, đó là lính ta lại tiếc bom địch hơn cả địch. Số là khi tìm được bom nổ chậm, thông thường công binh sẽ ốp bộc phá vào kích nổ luôn, vừa đỡ mất công kéo lên mặt đất, vừa đỡ nguy hiểm.

Nhưng do lúc ấy bộc phá cũng quý như vàng, chỉ để dành cho chiến đấu nên những người lính chốt trên đèo Lũng Lô bảo nhau kéo lên bằng mọi giá rồi tháo kíp. Tháo xong, thuốc nổ từ những quả bom ấy sẽ được tận dụng để đánh địch. Hết bom nổ chậm, lính Đại đội 57 lại chia nhau dọc tuyến đường đèo để vô hiệu hóa bom  bươm bướm, đinh chông rải rác khắp nơi để đảm bảo thông đường cho các cuộc hành quân ban đêm của dân công và bộ đội.

Công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy, sự sống cái chết của những người lính Đại đội 57, Tiểu đoàn 206 vẫn thường trực hàng ngày cho tới 7-5-1954, tin chiến thắng lan nhanh như gió vượt đèo Pha Đin qua Lũng Lô về tận chiến khu Việt Bắc. Niềm vui như nhân thêm khi sau đó, hàng đoàn tù binh Pháp lũ lượt bị dẫn giải qua đây. Dấu ấn đáng nhớ cuối cùng về chuỗi ngày chốt giữ trên đèo Lũng Lô của cụ Tân là một buổi sáng tháng 5. Khi ấy Đại đội 57 vừa nấu xong nồi cháo loãng chuẩn bị cho bữa sáng thì một tốp tù binh Âu - Phi bị giải tới.

Những tên lính đánh thuê rách rưới, bơ phờ vì mệt mỏi đang lê bước bỗng dừng lại nhìn chằm chặp vào nồi cháo của đơn vị. Thế là chẳng ai bảo ai, những chiến sỹ lặng lẽ đưa bát của mình cho đám tù binh. Không đủ bát, có tên lột luôn cả chiếc mũ đang đội trên đầu chìa ra để được múc. Khi tốp tù binh đi khỏi thì cũng là lúc nồi cháo của cả đại đội chỉ còn trơ đáy.