Nhìn thẳng vào bất cập để nâng cao chất lượng giáo dục

ANTD.VN - Hội nghị tổng kết năm học cũ, triển khai năm học mới của Bộ GD-ĐT ngày 5-8 được đổi mới ngay từ khâu tổ chức và hình thức báo cáo, tham luận. Dự hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ủng hộ cách tổ chức trực tuyến, mở rộng cho hơn 4.000 người theo dõi với những thông tin đi thẳng vào các vấn đề nóng, cần tìm giải pháp trong những năm học tới. 

Nhìn thẳng vào bất cập để nâng cao chất lượng giáo dục ảnh 1Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tìm hiểu ý kiến người dân
về kỳ thi THPT quốc gia 2016

Tiết lộ hướng đổi mới thi THPT quốc gia

Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, Bộ GD-ĐT đã kịp thời điều chỉnh cách thức tổ chức, tạo dư luận tốt. Trong đó, việc phối hợp với các trường ĐH cùng tổ chức thi tạo hiệu ứng tốt, đảm bảo khách quan nhưng không gây căng thẳng. Tuy nhiên, đề xuất về kỳ thi này năm 2017, bà Hạnh cho rằng nên giao cho địa phương tự chủ. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều Sở GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành phố khác. 

Phát biểu về vấn đề đổi mới giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: “Hai năm qua chúng ta đổi mới dần dần. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 được tổ chức thi ở nửa số tỉnh trên cả nước. Trước đó, thí sinh phải thi tới 4 kỳ thi khác nhau. Đến năm 2016 thí sinh chỉ có một kỳ thi ở tất cả các tỉnh, đồng thời đổi mới cách ra đề. Nhưng đây chưa phải là đổi mới cuối cùng, sẽ đến lúc chúng ta phải đổi mới thi theo đúng xu hướng quốc tế: thi phổ thông trả về cho phổ thông thực hiện, các trường đại học thì tự chủ tuyển sinh, không có thi chung nữa”.

Nói về những đổi mới, Phó Thủ tướng cho biết, cần thống nhất quan điểm giáo dục đang trong quá trình đổi mới, chuyển đổi. Khi chuyển đổi, chắc chắc không làm được ngay một lúc mà sẽ có các bước đi trung gian, trong đó không thể toàn vẹn ngay, chỉ có tốt mà không có bất cập. Điều này đòi hỏi sự lắng nghe, tuyên truyền để xã hội ủng hộ cùng ngành giáo dục tiến hành từng bước.

Đừng "ngứa trên đầu lại gãi dưới chân"

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, nhiều hạn chế, yếu kém gần đây của ngành giáo dục đã được khắc phục từng bước nhưng chưa thật căn bản. Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm như chưa coi trọng đúng mức đến giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, gây lo ngại cho xã hội với nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc xã hội; còn nhiều tội phạm vị thành niên. “Phải làm sao để các em biết kính trên nhường dưới; sống trong tập thể và có trách nhiệm; yêu nước, yêu lịch sử, truyền thống dân tộc” - Thủ tướng chỉ rõ. “Bây giờ nhiều học sinh không thuộc, không nhớ chút nào về lịch sử dân tộc. Chúng ta phải tìm nguyên nhân, có giải pháp tốt hơn đối với môn lịch sử”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh của học sinh phổ thông còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh chúng ta ngày càng hội nhập sâu. Đặc biệt là học sinh còn thiếu kỹ năng sống dẫn đến nhiều trẻ đuối nước hoặc bị tai nạn thương tích. Người Việt Nam có tuổi thọ cao, nhưng thanh niên nhìn chung còn “thấp bé, nhẹ cân”, Thủ tướng bày tỏ và yêu cầu chú ý giáo dục thể chất để tạo một thế hệ thanh niên khỏe mạnh toàn diện; không thể coi nhẹ vấn đề này đối với một dân tộc. Cùng với đó, dạy cho học sinh cái đẹp của quê hương, đất nước, về mỹ thuật, nghệ thuật. 

Thủ tướng cũng đánh giá việc khắc phục chương trình học quá tải đối với học sinh phổ thông còn thực hiện rất chậm. Nhiều nội dung học không có giá trị thực tiễn, trong khi đó kiến thức toàn diện về văn, thể, mỹ còn rất thiếu. Bên cạnh đó, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng hạn chế, chưa gắn với nhu cầu xã hội, thị trường lao động, dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, thất nghiệp.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhất là lao động có chuyên môn  cao. “Tôi hoan nghênh việc Bộ GD-ĐT tạo sẽ làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào ngày mai để gắn kết giữa giáo dục và thị trường lao động. Đừng để tình trạng “ngứa trên đầu lại gãi dưới chân”. Thủ tướng nhấn mạnh: “Xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh, nguy cơ chưa giàu đã già sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta không có những đột phá, tạo chuyển biến nhanh trong công tác giáo dục, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động”.

Hành động vì mục tiêu cao đẹp

Khẳng định, đối với đổi mới giáo dục, Chính phủ vẫn phải tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ: “Tôi muốn gửi gắm ngành giáo dục về điều mà Nguyễn Trãi đã từng nói là: “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. Vì vậy, ngành giáo dục cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành giáo dục phải có nhiều thầy giỏi, trò giỏi. Việt Nam ta có thêm nhiều người hiền tài để làm rạng danh và sẵn sàng phục vụ đất nước… Muốn xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc và mong muốn tất cả chúng ta cùng nhau hành động vì mục tiêu cao đẹp đó”.