Nhiều khe để “lách”

ANTĐ - Đã có bao nhiêu vụ vận chuyển và đối tượng vận chuyển, tàng trữ hàng lậu bị khởi tố tại Hà Nội? Câu trả lời: rất ít, thậm chí là chưa! Và câu trả lời tương tự cũng đã “nhìn” thấy trước, đối với gần 10 vụ kiểm tra, phát hiện hàng lậu trong khoảng 1 tháng trở lại đây trên địa bàn thành phố, với số lượng hàng hóa bị kiểm tra, có vấn đề lên đến hàng chục tấn.

Hàng có vấn đề biểu hiện ở mấy mặt. Thứ nhất là hàng vô chủ, khi bị kiểm tra, chủ hàng tuyệt nhiên không xuất hiện. Đó thực chất là hàng nhập lậu, và chủ hàng bỏ của chạy lấy người, bởi nếu bị xử phạt hành chính, số tiền phải nộp có khi còn lớn hơn giá trị hàng, chưa kể việc phải chịu trách nhiệm khác. Dạng thứ hai, hàng nghi nhập lậu, nhưng vẫn bị tạm giữ để chờ chủ hàng xuất trình hóa đơn. Đây là vấn đề cần đề cập, bởi với cách xử lý như hiện nay của cơ quan chức năng, hàng lậu vẫn sẽ còn đất sống!

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA  của liên Bộ Tài chính, Công an và Công Thương “Hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường”, thì hàng hóa nhập khẩu bất kể là nơi tập kết, trong kho hay đang kinh doanh đều phải đi kèm với hóa đơn, chứng từ. Nhưng trên thực tế, các vụ vận chuyển, tập kết hàng lậu thời gian qua từng bị kiểm tra, xử lý, phần lớn người vận chuyển hay người quản kho không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đặt câu hỏi với lực lượng chức năng thì nhận được hồi đáp: “Chờ chủ hàng đến xuất trình hóa đơn mới đưa ra biện pháp xử lý”. Cách thức xử lý này rõ ràng khác với quy định của Thông tư liên tịch số 60.

Một vị chủ kho hàng của Nhà nước lý sự: đúng là người ta “cài” hàng lậu và hàng hóa hợp pháp để thuê chúng tôi tập kết, chờ vận chuyển. Nhưng sao lực lượng công an, quản lý thị trường, biên phòng không chặn bắt hàng lậu từ biên giới, không phát hiện, xử lý trên đường vận chuyển, để hàng lậu chui sâu tận nội địa? Lý sự của vị chủ kho trên có cái… lý của nó, nhưng cũng không đúng. Chống hàng lậu đâu chỉ là trách nhiệm của lực lượng tuần biên, hay lực lượng thường trực trên các cung đường. Trách nhiệm của nhà kho - thủ kho là phải kiểm soát, kiểm tra mặt hàng khách gửi là thứ gì, có hợp pháp không. Không làm tròn trách nhiệm, mà lại đổ cho lực lượng khác, là vô lý. Mỗi nơi chệch quy định một tí, hoặc đá trách nhiệm một tí như vị thủ kho nọ, chẳng trách, hàng lậu vẫn còn khe hở để lách.